Năm nay, ngoài các đại biểu là các nhà văn, nhà thơ Việt Nam còn có sự tham dự của 153 đại biểu quốc tế đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Uzbekistan, Pakistan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi, Nga, Mông Cổ...
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chủ đề ngày thơ năm nay tiếp tục hướng về biển đảo Tổ quốc.
Ngày thơ Việt Nam. |
Điểm khác biệt của ngày thơ là không chia ra sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ mà chỉ tổ chức một sân thơ với các nội dung: trình diễn nghệ thuật, đọc thơ - trong đó có nhiều tác phẩm thơ về biển đảo Tổ quốc. Tại đây, sắc xanh của biển đảo Tổ quốc sẽ được tô thắm với sự góp mặt của hai lực lượng Bộ tư lệnh Hải quân và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Bên cạnh đó, Ngày thơ Việt Nam còn có các triển lãm với nhiều nội dung: giao lưu văn học quốc tế, các hình ảnh giao lưu văn học Việt Nam và thế giới, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, tám địa phương, sáu trường đại học, các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, câu đối, trình diễn nghệ thuật dân gian. Các hoạt động được bắt đầu từ ngày 4/3, trùng với dịp Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 (diễn ra từ ngày 2 đến 6/3).
Ngày thơ tại TP HCM: Bán đấu giá tập thơ "Lớn lên cùng thành phố"
Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13, Hội Nhà văn TP HCM tổ chức ngày thơ chủ đề “Xuân thống nhất phát triển hướng về biển đảo Tổ quốc” diễn ra trong hai ngày từ chiều 4/3 đến chiều 5/3 với 25 đơn vị, câu lạc bộ khắp các quận huyện.
Chương trình chính của Ngày thơ TP HCM bắt đầu lúc 18 giờ 30 ngày 4/3 tại trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP HCM (81 Trần Quốc Thảo) với 18 tiết mục diễn ngâm, đọc, trình bày ca khúc phổ thơ của các nhà thơ thành phố thuộc sáu thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ và bốn thế hệ nhà thơ từ năm 1975 đến nay.
Đề tài và nội dung thơ vì thế rất đa dạng, khách yêu thơ đến dự sẽ gặp những bài quen thuộc như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Minh Tuấn phổ nhạc), hay như nhà thơ thế hệ chống Mỹ Hoàng Đình Quang sẽ trình bày bài thơ Có gì đâu mùa xuân.
Các tác phẩm mới như: Viết ở Trường Sa (của Huệ Triệu), Biển em và tôi (Thanh Bình Nguyên), Xuân về trên kênh Nhiêu Lộc (Xuân Trường)... Đặc biệt, Ban nhà văn trẻ sẽ đóng góp chương trình đọc thơ có hoạt cảnh với “nội dung thể hiện tình yêu em và anh lồng trong tình yêu với phố”.
Hoạt cảnh tái hiện một góc phố Sài Gòn và đôi nam nữ đang yêu, sử dụng thơ của Tiểu Quyên, Thanh Bình Nguyên, Minh Đan, Trần Lê Sơn Ý.
Trước đó, vào sáng 4/3, các đơn vị, câu lạc bộ thơ từ các quận huyện tề tựu về sân 81 Trần Quốc Thảo để dựng lều thơ và thiết kế chương trình riêng cho từng đơn vị. “Sân thơ quần chúng” này sẽ chơi suốt hai ngày. Đặc biệt năm nay có cả Hội thơ Mekong của người Hoa tại Chợ Lớn và câu lạc bộ thơ của Ban an toàn giao thông Đài tiếng nói nhân dân TP HCM tham gia.
Ngoài ra, vào buổi chiều 5/3 tại ngày thơ sẽ có sự kiện bán đấu giá tập thơ độc bản Lớn lên cùng thành phố, với 40 bài của 40 tác giả kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tập thơ khổ lớn, in bản duy nhất, tiền bán đấu giá sẽ được dùng để hỗ trợ các cây bút thơ trẻ TP HCM in sách trong năm 2015.