Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số 25.752 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng 1/2021, có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số còn lại tạm ngừng hoạt động chờ giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong đó, bán buôn, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ, du lịch, vận tải... là những ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn nhất.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, với mức tăng từ 40% trở lên so với tháng 1/2020.
"Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong tháng cuối năm, khi hầu hết doanh nghiệp chờ đợi sang năm mới để tìm hướng đi và các mặt hàng, đối tác phù hợp để triển khai kế hoạch kinh doanh", Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Trong bối cảnh này, vẫn có hơn 10.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,3%, trong khi tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 10,5%, đạt hơn 395.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực có mức tăng lượng doanh nghiệp thành lập mới mạnh nhất chủ yếu là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu như sản xuất, phân phối điện, nước, gas, khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, y tế, bất động sản...
Đồng thời, sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề chịu ít rủi ro hơn cũng là động lực cho sự gia tăng này. Đặc biệt, ngành xây dựng có chiều hướng phát triển khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Mặc dù vậy, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1 vẫn giảm 23,2% so với cùng kỳ và giảm ở tất cả lĩnh vực, chỉ đạt 6.503 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể đều có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động chưa lâu.
Do đó, nhằm giảm thiểu số lượng này, Cục cho rằng bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.