Chị Thu Hồng, một du khách cho biết, từ tờ mờ sáng, hàng trăm du khách tập trung trước trụ sở Ban quản lý cảng Cô Tô xếp hàng lấy số thứ tự lên tàu. Dòng người lẫn lượt thay nhau vào xếp số. Ngoài trời mưa vẫn không ngớt.
Là phụ nữ, chị được ưu tiên xếp được số 145 cùng một vài người thân khác. Chị đã lên tàu chuyến đầu tiên trong ngày lúc 9h30 cùng hơn 300 người khác. Tàu đã rời cảng và di chuyển về Cửa Đối.
Hàng trăm du khách xếp hàng bốc số thứ tự lên tàu tại trụ sở cảng Cô Tô. Ảnh: Thu Hồng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sáng sớm, lãnh đạo huyện đảo Cô Tô đã tổ chức bốc thăm số thứ tự cho hơn 1.000 du khách còn lại để lần lượt chờ lên tàu hải quân 634 về đất liền.
Tàu 634 do lữ đoàn 170 hải quân điều khiển có sức chứa 500-600 người. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết mưa gió, sóng lớn, mỗi chuyến chỉ chở từ 250-300 người. Số lượng khách ở đảo Cô Tô lớn, ai cũng có nhu cầu về sớm với gia đình, ổn định công việc, do đó lãnh đạo tỉnh nhất trí phương án bốc thăm số thứ tự để tránh tình trạng người dân tranh nhau lên tàu. Ưu tiên người già, phụ nữ và trẻ em.
Trưa 31/7, hành khách được cán bộ chiến sĩ đưa sang tàu khách Ka Long, tiếp tục hành trình vào đất liền. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo lịch trình, tàu hải quân 634 sẽ chở du khách vào Cửa Đối, các tàu cao tốc chở khách tại cảng Cái Rồng tiếp đón đưa vào bờ. Du khách sẽ được Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh sử dụng xe buýt, xe khách đưa ra bến xe Bãi Cháy lên xe khách về quê.
“UBND tỉnh hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua vé xe. Du khách ở Cô Tô về được miễn phí hoàn toàn”, ông Hậu nói.
Trong khi đó, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Đỗ Văn Hùng - Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn hải quân 170 - cho biết, sáng nay, do mực nước tại cảng Cô Tô xuống thấp nên tàu không thể cập cảng mà phải đón từ xa, du khách phải chuyển tải từ tàu nhỏ hơn để lên tàu trong điều kiện mưa to, sóng mạnh nên số lượng khách lên được tàu chỉ hơn 200 người.
Đến khoảng hơn 11h trưa cùng ngày, tàu khách do tỉnh Quảng Ninh bố trí đã tiếp cận được với tàu hải quân 634 tại vùng biển Cửa Đối và bắt đầu công tác di chuyển hành khách sang.
Sóng gió dập dềnh kèm mưa lớn nên du khách một lần nữa phải chật vật di chuyển sang tàu khách.
Phiếu sắp xếp số thứ tự chị Hồng bốc được. Ảnh: Thu Hồng. |
Về phương án phòng ngừa vỡ đập 790, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tới thời điểm hiện tại cơ bản đã nắn dòng lũ bùn tràn từ bãi thải Đông Cao Sơn xuống đập 790. Bờ đập được hàng trăm công nhân Tập đoàn than khoáng sản phối hợp lực lượng cứu hộ, bộ đội và hàng chục máy xúc, ôtô chở đất, đá bồi đắp gia cố thân đập. Các vị trí trọng yếu được kè đắp rọ đá, bao cát ở xung quanh. Đồng thời, lực lượng cứu hộ xử lý nắn dòng lũ bùn đất sang sườn bờ đập xuống khu vực núi đá không có dân cư.
“Nếu mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, bùn cát vẫn có nguy cơ rò rỉ, tràn qua đập do khối lượng quá lớn”, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh lo ngại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hảo, Chánh văn phòng TP Cẩm Phả cho biết, hiện khu vực Mông Dương trời vẫn mưa. Lực lượng cứu hộ vẫn túc trực 24/24 tại bờ đập 790. Công an thành phố bảo thay phiên vệ tài sản người dân đi tránh lũ. Khối lượng bùn cát lớn tràn ngập khu 4, phường Mông Dương sẽ phải mất nhiều ngày thu dọn.
Sau mưa lũ, các khu dân cư ở phường Hà Khánh, Cao Thắng, Mông Dương, Cẩm Phú, Cửa Ông có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh. Đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng y, bác sĩ sẵn sàng.
“Phương án lâu dài, thành phố sẽ đề xuất di cư các hộ dân tại đây tới nơi khác sinh sống”, ông Hảo nói.