Nghị định 46 được Chính phủ ban hành nhằm thay thế các Nghị định 171 và 107, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Mức xử phạt tăng cao
So với các Nghị định hiện hành, Nghị định 46 quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ bị tăng gần gấp đôi hoặc hơn mức phạt cũ. Nhiều điểm mới về mức xử phạt hành chính gây chú ý.
Về lỗi vi phạm hiệu lệnh, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt đến 2 triệu đồng. Theo nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Về nhóm vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển ôtô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người đi môtô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng từ tối đa 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tước GPLX đến 5 tháng (mức cũ 2 tháng).
Nhiều hành vi có mức phạt tăng nặng so với Nghị định 171. Ảnh: H.Lam. |
Trong nhóm vi phạm về tốc độ, người điều khiển ôtô vượt quá tốc độ quy định có thể bị phạt đến 8 triệu đồng, tương đương mức phạt cũ. Tuy nhiên, người vi phạm bị tước GPLX đến 5 tháng. Người điều khiển xe môtô chạy vượt quá tốc độ quy định trên 20 km, có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.
Ở nhóm vi phạm trên đường cao tốc, Nghị định 46 quy định việc tăng mức xử phạt lên gấp đôi hoặc cao hơn đối với hành vi vi phạm. Theo đó, người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định trên đường cao tốc về dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều có thể bị phạt đến 6 triệu đồng...
Theo Nghị định 46, có 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ bị tăng mức xử phạt. So với các quy định cũ, Nghị định 46 đề ra nhiều chế tài xử phạt mới đối với các lỗi vi phạm.
Theo đó, cá nhân ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.
Với hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức vi phạm.
Ngoài ra, điểm mới của Nghị định 46 quy định, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.
Đáng chú ý, từ 1/1/2017, người điểu khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này.