Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 10 tháng chống dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo tăng 60-95%

Dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 2. Đến nay, sau gần 1 năm chống chọi, giá heo hơi trong nước đã tăng vọt, vượt mốc 100.000 đồng/kg ở nhiều địa phương.

Từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận 20 quốc gia xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Trong đó, Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất toàn cầu, được cho là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch này.

Theo The Guardianhiện giá thịt heo tại nước này cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí mức tăng này còn lên tới 100% tại một số khu vực. Đây là nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng nhanh trong những tháng gần đây. Lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát ở nước này vượt ngưỡng 3% trong vòng 10 năm qua.

Còn tại Việt Nam, dịch bệnh chưa có vaccine phòng ngừa này vẫn đang tiếp diễn, gây sức ép lớn cho ngành chăn nuôi và thị trường tiêu dùng từ gần 1 năm qua. 

Bùng phát từ tháng 2, lan rộng ra toàn quốc

Ngày 19/2, Chi cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông báo phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Chưa đầy 15 ngày sau, đã có 202 hộ tại 7 tỉnh, TP xuất hiện dịch, trong đó 4.200 con lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.

gia thit heo tang anh 1

Một số trang trại bị bỏ hoang nhiều tháng qua vì dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tính đến ngày 18/12, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, TP với tổng số lợn tiêu hủy là gần 5,96 triệu con. Tổng trọng lượng là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Trong đó, 6.020 xã đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch, chiếm 71%. Tuy nhiên, trong tháng 11 có đến 146 xã phát hiện có dịch trở lại với 134.000 con chết và tiêu hủy. Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt nhưng còn tiếp tục diễn biến phức tạp dù với cường độ thấp hơn. 

Đến nay, nhiều cơ sở chăn nuôi chưa thể tái đàn, chủ yếu vì chưa có vaccine chống dịch, thậm chí một số nơi tái đàn rồi lại bị nhiễm bệnh trở lại. 

Trao đổi với Zing.vn, một số chủ trang trại, hộ chăn nuôi heo vừa và nhỏ cho biết đã quyết định ngừng hoạt động, chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc khác an toàn hơn.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết không chỉ các hộ nhỏ lẻ, mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín như CP, Japfa cũng bị nhiễm bệnh, nên nguồn cung sụt giảm nặng nề. 

Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước hiện đã giảm gần 50% so với thời điểm tháng 4. Xét chung cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số đàn heo tháng 11 giảm mạnh 22% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đầu heo hiện có khoảng 25 triệu con. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng thịt heo cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu thịt heo đạt hơn 600.000 tấn, có nghĩa cả nước thiếu hụt hơn 200.000 tấn thịt heo.

Giá thịt heo tăng 60-95% so với đầu năm

Sự lan rộng của dịch tả heo châu Phi suốt hơn 10 tháng qua khiến nguồn cung thịt heo sụt giảm. Đồng thời, công tác kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển heo giữa các địa phương còn gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương. 

Trong bối cảnh này, chi phí chăn nuôi, phòng dịch, kiểm dịch... tăng cao cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt heo. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT ghi nhận có trường hợp một số cơ sở và hộ chăn nuôi găm hàng chờ giá, thậm chí xuất lậu heo sang Trung Quốc.

gia thit heo tang anh 2

Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Chính những điều này đã góp phần đẩy giá heo hơi và heo thành phẩm lên cao kỷ lục trong nhiều tháng qua. Theo ghi nhận của Bộ Công Thương đến giữa tháng 12, giá các mặt hàng thịt heo tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với hồi đầu năm.

Khảo sát của Zing.vn cho thấy giá heo hơi hiện đã vượt mốc 95.000 đồng/kg ở một số địa phương. Tại miền Bắc, mức giá ngày 23/12 dao động trong khoảng 92.000-97.000 đồng/kg, trong khi ở miền Nam, giá bán từ 92.000-95.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, giá thịt heo thành phẩm ở các chợ dân sinh và siêu thị dao động từ 130.000-260.000 đồng/kg, cá biệt sườn non loại I ở chợ Nhân Chính (Hà Nội) được bán với giá 280.000 đồng/kg.

Ngay cả thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường cũng đã thực hiện tăng giá 2 đợt vào cuối tháng 10 và giữa tháng 11. Xét chung 2 đợt này, mức giá đã tăng 14.000-51.000 đồng/kg, đạt 114.000-167.000 đồng/kg từ ngày 13/11. 

Trước áp lực giá thịt heo liên tục tăng nhanh, nhiều hàng quán kinh doanh chả lụa, bánh mỳ, bún thịt nướng, hủ tiếu, cơm… đồng loạt treo biển tăng giá bán. Mức tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/suất. Một số địa điểm không tăng giá thì cũng bớt thịt trong khẩu phần ăn. 

Bộ NN&PTNT bị phê bình, các tỉnh lên phương án bình ổn giá cả dịp Tết

Tuần vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

Trong đó, nhấn mạnh Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt heo, giá thịt tăng cao, Phó thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

gia thit heo tang anh 3

Các Bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp bình ổn cung cầu, giá cả mặt hàng thịt heo dịp Tết Canh Tý. Ảnh: Trương Khởi. 

Đến ngày 20/12, Bộ NN&PTNT đã lập tức trình Chính phủ văn bản báo cáo, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương và các địa phương tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt heo so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương có kế hoạch nhập khẩu thịt heo từ các quốc gia đã có hiệp định song phương, đề xuất Ban chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý các trường hợp xuất, nhập lậu thịt heo nhằm cân đối cung cầu trong nước. 

Trong khi đó, tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo bình ổn cung cầu, giá cả cũng đang được triển khai đồng bộ. Trong đó, các giải pháp được đưa ra nhiều nhất là khuyến khích tái đàn với cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện và tuyên truyền người dân sử dụng thịt heo đông lạnh và các nguồn thực phẩm thay thế. 

Đặc biệt, TP.HCM huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt heo và các sản phẩm thịt khác. Trong đó, Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong 45 ngày trước, trong và sau Tết. Tổng nguồn cung mặt hàng thịt heo bình ổn là 4.091 tấn/tháng thường và 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm 21% thị phần toàn TP. 

Ước tính thiếu hụt 3.500 tấn heo hơi cho dịp Tết, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại không găm hàng, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt... gây bất ổn thị trường.

Còn tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nơi tổng đàn heo doanh nghiệp chiếm khoảng 86% tổng đàn heo trên địa bàn, đa số doanh nghiệp lớn đã cam kết ổn định nguồn cung cho thị trường. Cụ thể, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp khoảng 3.000 con heo/ngày, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cung cấp 1.000-1.200 con/ngày, Công ty TNHH Sunjin Vina cung cấp khoảng 300 con/ngày...

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm