Hơn 10 năm qua, bà Thạch Chính Lệ dành rất nhiều thời gian trong các hang động hôi hám để thu thập mẫu phân của các loài dơi sống ở đó.
Và giờ đây cả thế giới sẽ phải cảm ơn bà vì đã làm việc này.
Kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2002-2003, các nhà khoa học Trung Quốc đã tích cực lấy mẫu dơi để xây dựng cơ sở dữ liệu về virus corona. Ảnh: Bloomberg. |
Gian nan, hiểm trở thu thập
Theo SCMP, bà Thạch đã cuốc bộ qua những ngọn núi hiểm trở ở trên khắp 28 tỉnh của Trung Quốc, tìm kiếm những hang động tối tăm nơi loài dơi sinh sống.
Sau khi phát hiện chúng, bà mặc nhiều lớp áo bảo hộ, từ đầu tới chân, bảo vệ hơi thở và sau đó bước vào những hang động này để thu thập mẫu phân của nhiều loại dơi khác nhau.
Bà mang những mẫu này trở về Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, để phân tích chúng. Sau hơn một thập kỷ làm việc, nhóm của bà đã xây dựng một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất về các loại virus liên quan đến dơi.
Bà Thạch bắt đầu công việc này vào năm 2005, sau khi nhóm của bà phát hiện virus gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS có nguồn gốc chính từ loài dơi sang con người.
Kể từ đó, nhóm của bà tại Viện Virus học Vũ Hán đã lần theo dấu vết của virus corona trên loài dơi, và từng cảnh báo rằng một trong số chúng đặc biệt có khả năng gây ra đại dịch ở người.
Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu mà nhóm của bà sử dụng để xác định chủng virus corona mới gây ra dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019.
Nhóm của bà Thạch là những người đầu tiên xác định rằng virus corona gây bệnh viêm phổi chết người - với tên gọi chính thức là 2019-nCoV - là hậu duệ trực tiếp của chủng virus được phát hiện từ phân của loài dơi ăn quả ở tỉnh Vân Nam. Chúng chia sẻ tới 96% cấu trúc gen.
Công trình của bà Thạch giúp cộng đồng nghiên cứu có bước khởi đầu thuận lợi trong việc hiểu được nguồn gốc virus mới. Chính nhóm của bà Thạch phát hiện ra nCoV có thể xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể ACE2 và có thể có nguồn gốc từ dơi.
Bà Thạch và các cộng sự nhanh chóng phát hiện ra sự tương đồng giữa virus mới và virus gây ra dịch SARS: chúng đều có chung vật chủ là những con dơi.
Dịch SARS bắt nguồn khi chủng virus corona trên loài dơi lây nhiễm cho cầy hương châu Á - loài vật mà người dân được phép nuôi làm cảnh hoặc lấy thịt.
Nhóm của bà Thạch cho rằng chủng virus corona mới năm 2019 cũng đi theo lộ trình tương tự để lây truyền sang người, rất có thể là điều đó diễn ra ở chợ hải sản Hoa Nam - nơi cách phòng nghiên cứu của bà hơn 30 km.
Giới chức Trung Quốc tịch thu cầy hương tại một chợ động vật ở tỉnh Quảng Châu vào năm 2004, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus corona gây nên dịch SARS. Ảnh: Zuma Press. |
Tại viện nghiên cứu, tiến sĩ Thạch và các đồng nghiệp đã phân tích trình tự di truyền của chủng virus trong tuần đầu tiên của tháng một. Họ sử dụng mẫu được lấy từ 7 trong số những bệnh nhân đầu tiên, 6 người trong số này là tiểu thương ở khu chợ hải sản.
Đến ngày 11/1, các nhà khoa học của viện đã xác định thành công cấu trúc di truyền của virus, và chia sẻ dữ liệu công khai cho nhà khoa học ở khắp mọi nơi sử dụng.
Nạn nhân của thuyết âm mưu
Những công việc như vậy thường sẽ nhận được sự ca ngợi và tán thưởng, và đúng bà Thạch đã trở thành tâm điểm của công chúng, nhưng với những lý do mà bà không bao giờ nghĩ tới.
Số lượng tìm kiếm tên bà tăng gấp 2.000 lần trong những tuần gần đây. Tuy nhiên hầu hết bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc về bà Thạch đều có nội dung tiêu cực. Nhiều người còn gọi bà là "mẹ của ác quỷ".
Cơn lũ công kích cá nhân xuất phát từ tin đồn chủng virus corona mới đã "thoát khỏi" phòng thí nghiệm của bà, vốn nằm ở Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí có những thuyết âm mưu cho rằng phòng thí nghiệm của bà Thạch nhận được lệnh tạo ra virus mới như loại vũ khí sinh học cho quân đội Trung Quốc.
Những thuyết âm mưu này xuất hiện trên truyền thông phương Tây thông qua tờ lá cải Daily Mail của Anh và tờ Washington Times tại Mỹ, hai tờ báo có xu hướng thiên hữu với truyền thống đưa tin giật gân.
Không thể tiếp tục im lặng, bà Thạch đã lên tiếng trên trang Weibo cá nhân hôm 2/2, cho rằng virus 2019-nCoV là "sự trừng phạt của tự nhiên với thói quen ăn uống và phong tục mọi rợ của con người", bà cũng nói thêm: "Tôi thề có mạng sống của mình, virus không có gì liên quan đến phòng thí nghiệm".
Đồng quan điểm với bà Thạch, các chuyên gia phương Tây cũng khẳng định không có chuyện virus corona là sản phẩm nhân tạo.
"Dựa trên bộ gen và tính chất của virus, không có dấu hiệu nào cho thấy nó là một virus được thiết kế", ông Richard Ebright, giáo sư hoá sinh tại Đại học Rutgers, nhận định.
Một bệnh nhân nhiễm virus corona đang được đưa vào phòng cách ly tại Phú Dương, Hàng Châu. Ảnh: AP. |
Ông Tim Trevan, chuyên gia an toàn sinh học ở bang Maryland, cho biết hầu hết các quốc gia đã từ bỏ nghiên cứu vũ khí sinh học sau nhiều năm không có kết quả.
"Phần lớn các bệnh mới, ghê gớm... đều đến từ thiên nhiên", ông Trevan trả lời Washington Post.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán nổi tiếng toàn cầu và tương đối mở so với các viện nghiên cứu khác của Trung Quốc. Nó hợp tác chặt chẽ với Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston tại Đại học Y khoa Texas, và được phát triển với sự hỗ trợ của các kỹ sư Pháp. Vì vậy theo các chuyên gia, kể cả khi chính phủ Trung Quốc muốn phát triển vũ khí sinh học, họ cũng sẽ không làm điều đó tại cơ sở này.