Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hôm nay Thủ tướng đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT, Tổng Thanh tra

Chiều 24/10, Thủ tướng trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu.

Theo chương trình kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình đề nghị vào lúc 16h15, mở đầu cho công tác nhân sự diễn ra trong 3 ngày đối với hai vị trí thành viên Chính phủ. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn.

Đến chiều 25/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội. Thủ tướng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

Tiếp đó, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Quang Nghĩa và ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết, thông qua nghị quyết phê chuẩn.

Cũng trong chiều 25/10, quy trình nhân sự tiếp tục với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình về phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại tờ trình, Thủ tướng sẽ đưa ra ứng viên cho hai vị trí nói trên. Các đại biểu sau đó tiếp tục thảo luận tại đoàn về nội dung này.

Mien nhiem Tong Thanh tra Chinh phu anh 1
Ông Trương Quang Nghĩa (trái) và ông Phan Văn Sáu. Ảnh: Phạm Duy - Thắng Quang.

Sáng 26/10, kết quả thảo luận tại đoàn được báo cáo trước Quốc hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

Quốc hội sau đó bỏ phiếu kín phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Kết quả bỏ kiểm phiếu được công bố vào đầu giờ chiều cùng ngày.

Như vậy, theo quy trình này, chiều 26/10, nếu Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ sẽ có 2 nhân sự mới ở vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tiểu sử thành viên Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 có 27 thành viên. Trong đó chỉ duy nhất có một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà cũng là người duy nhất không phải Ủy viên Trung ương Đảng..

Việc Thủ tướng đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Quang Nghĩa là do ông Nghĩa đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Còn đối với trường hợp ông Phan Văn Sáu, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lý do là ông Sáu có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi nhiệm vụ.

"Tổng Thanh tra Chính phủ có đơn xin thôi chức với lý do sức khỏe và gia đình, để chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khác", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về lo lắng lãng phí nhân sự khi ông Phan Văn Sáu mới làm được một thời gian đã xin thôi, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng điều này khó nói trước.

"Cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên Trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi. Tuy nhiên sau thời gian công tác, cán bộ đó có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ", ông Phúc nói.

Ông Trương Quang Nghĩa (sinh năm 1958, quê Hội An, Quảng Nam) là thạc sĩ quản trị kinh doanh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tháng 3/2015, từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 4/2016, ông Nghĩa được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Ông Phan Văn Sáu (sinh năm 1959, quê Đồng Tháp) là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII.

Tương tự ông Nghĩa, tháng 9/2015, từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang ông Sáu được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 4/2016, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ xin thôi nhiệm vụ vì lý do cá nhân

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ, có đơn xin thôi chức vì lý do sức khỏe và gia đình.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm