Vòng đấu cuối cùng của Premier League mùa này sắp diễn ra mà không có bất kỳ điều gì để chờ đợi. Chức vô địch đã có chủ từ khá lâu. Những tấm vé dự Champions League và Europa League mùa tới về cơ bản đã được trao. 3 đội bóng rớt hạng đã xác định được 2. Kẻ còn lại 95% là Swansea.
Man City sớm bước lên ngôi vương ở Premier League mùa 2017/18 mà không chịu sự cạnh tranh quá lớn. Ảnh: Sports. |
Khi người hâm mộ La Liga mỉa mai Premier League là thùng rác vàng của châu Âu (vì toàn đón những ngôi sao hạng B), người Anh “bật” lại: Chúng tôi không có Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Neymar, nhưng Premier League mang tính cạnh tranh mà không giải đấu nào trên thế giới có được.
Cuộc đua vô địch La Liga về cơ bản chỉ có Barca và Real. Ở Đức, một mình Bayern một ngựa. Tại Ligue 1, PSG không có đối thủ. Juventus đã làm trùm Serie A từ khá lâu. Trong khi đó, ngai vàng Premier League giống như “hộp kẹo chocolate của ông già Noel”, có nghĩa là nếu không ăn đến viên cuối cùng thì chưa biết hộp kẹo đó có bao nhiêu vị.
Chẳng giải đấu nào trên thế giới mà đội bóng có tỷ lệ đặt cược 1 ăn 5.000 lại có thể thật sự bước lên ngôi vô địch (Leicester). Làm gì có giải đấu châu Âu nào mà số lượng ứng viên chạy đua cho ngai vàng lên tới 7 đội. Ở đâu trên thế giới mà người ta lôi nhau ra đá bóng cả vào dịp Giáng sinh?
Premier League là số 1, là riêng, là duy nhất
Thủ môn David de Gea lần đầu giành Găng tay vàng với 18 trận giữ sạch lưới. Ảnh: Premier League. |
Cạnh tranh biến Premier League thành bữa tiệc buffet tuy không có món ăn xa xỉ, nhưng món nào cũng là đặc sản. Nhưng niềm tự hào ấy đã “bốc hơi” ở mùa này.
Man City biến sân chơi rất tự hào về tính cạnh tranh đó thành “live show” của riêng họ. "The Citizens" kiếm trung bình 2,5 điểm/trận, trong khi đó đội nhì bảng MU kiếm được 2,1 điểm/trận. Cách biệt giữa đội đầu bảng và nhì bảng lên tới 0,4 điểm là một trong những cách biệt kém cạnh tranh nhất trong lịch sử Premier League.
Mùa trước, đội đầu bảng Chelsea và nhì bảng Tottenham chỉ cách nhau 0,2 điểm. Mùa Leicester vô địch, cách biệt giữa đội nhất và nhì bảng cũng chỉ là 0,2 điểm.
Man City ghi tới 2,8 bàn thắng/trận mùa này, trong khi hiệu suất bàn thắng trung bình/trận của Premier League chỉ là 2,5 bàn. Lại thêm một chỉ số nữa cho thấy Man xanh “một mình một chợ” ở mùa bóng này.
Có lẽ không nhiều người hâm mộ biết về thống kê này. Man City đã có tới 1.826 phút thi đấu trong thế dẫn trước đối thủ. Chúng ta thử so sánh con số này với các “nhà độc tài” khác xem thế nào.
Mohamed Salah đứng trước cơ hội rất lớn giành danh hiệu vua phá lưới ngay trong mùa đầu tiên khoác áo Liverpool. Ảnh: Premier League. |
Tại La Liga, Real mới dẫn trước đối thủ 1.591 phút, Barca 1.429 phút. Tại Bundesliga, Bayern một mình một giang sơn mà chỉ dẫn trước 1.529 phút. So sánh với các đại gia này mới thấy Premier League lệch đến nhường nào. Man City cả mùa đá 3.330 phút thì có tới 54,8% thời lượng dẫn trước đối thủ. Quá lệch, quá mất yếu tố cạnh tranh.
Một trong những yếu tố khác giúp Premier League hấp dẫn hơn các giải đồng hạng là sự kiên cường của các đội bóng. Năm xưa, Newcastle bị Arsenal dẫn 4-0 vẫn kiên trì gỡ hòa 4-4. MU thắng ngược Tottenham 5-3 sau khi bị dẫn trước 3-0.
Những cuộc ngược dòng gây ngỡ ngàng là đặc sản của Premier League. Tuy nhiên, có vẻ như món đặc sản này ngày càng kém chất lượng. Ví dụ: Tại Premier League mùa này, MU 14 lần bị dẫn trước ở mùa này, thì chỉ có 4 lần ngược dòng thành công. Chelsea 12 lần phải rượt đuổi tỷ số thì 2 lần thành công, Tottenham cũng chỉ có 2 lần ngược dòng thành công trong 12 lần bị dẫn bàn.
Việc ngay cả các đội bóng lớn cũng quên mất bản năng ngược dòng khiến cho nhiều trận đấu diễn ra ngày càng dễ đoán và chênh lệch. Bản sắc của Premier League, chí ít trong mùa bóng này, đã bị sự “tàn bạo” của Man City phá hỏng. Mùa bóng khép lại trong không ít tiếng thở dài.
Vị trí của 20 câu lạc bộ trên bảng xếp hạng trước khi bước vào 38 Premier League diễn ra vào ngày 13/5. |