Khi còn nhỏ, lúc chơi trò hóa thân thành nhân vật trong phim, Michael Yichao - diễn viên kiêm nhà văn gốc Hoa - thường thất vọng khi họ chỉ cho anh hai lựa chọn: Lý Tiểu Long hoặc Thành Long.
Điều đó nói lên thực trạng diễn viên gốc Á ở Hollywood không có chỗ đứng. Song, sau nhiều năm, Michael Yichao nhận thấy thế giới đang thay đổi. “Tuy số lượng còn ít nhưng thực tế nhiều diễn viên gốc Á dần tạo được chỗ đứng. Có nhiều ngôi sao gốc Á xuất hiện trong các bộ phim lớn, đề cử uy tín”, Yichao nói với SCMP.
Định kiến của Hollywood
Theo SCMP, vài năm qua, những diễn viên gốc Á đang bùng nổ ở Hollywood. Nhiều bộ phim điện ảnh và tác phẩm truyền hình tạo tiếng vang toàn cầu, bao gồm The Farewell, Searching, Minari, Always Be My Maybe, Never Have I Ever và series To All the Boys I’ve Loved Before có sự góp mặt của ngôi sao gốc Việt - Lana Condor Trần Đồng Lan.
Gần 50 năm sau khi Lý Tiểu Long qua đời, nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất người Mỹ gốc Á mở rộng di sản của nam diễn viên bằng cách tạo nhiều đất diễn cho người châu Á. Văn hóa, câu chuyện về người nhập cư, con lai… dần xuất hiện. Song, đó là quá trình khó khăn với sự xuất hiện nhỏ giọt.
Theo báo cáo từ Nancy Wang Yuen, Stacy Smith và USC Annenberg Inclusion Initiative, người Mỹ gốc Á chưa được thể hiện nhiều trong các dự án lớn. Trong số 51.159 nhân vật từ 1.300 bộ phim có doanh thu cao nhất (từ năm 2007-2019), chỉ có 5,9% nhân vật là người châu Á.
Sự xuất hiện của Lý Tiểu Long dần thay đổi định kiến về người gốc Á ở Hollywood. |
Ngoài ra, trong 13 năm qua, chỉ có 44 bộ phim có người Mỹ gốc Á đóng vai chính. Hơn 40% trong số 1.300 phim không có dù chỉ một nhân vật châu Á.
Mặt khác, các diễn viên người Mỹ gốc Á đối mặt với định kiến ngoại hình, nam giới độc hại. Những năm 1960-1970, người châu Á làm việc ở Hollywood thường bị xem thường, cho là kém hấp dẫn và yếu đuối. Song, sự xuất hiện của Lý Tiểu Long với kỹ năng võ thuật cao, cơ bụng 6 múi đã thay đổi tất cả.
Lý Tiểu Long vào vai những nhân vật chính trực, mạnh mẽ, khác hoàn toàn với hình tượng người châu Á trên phim Hollywood trước đó.
Trong cuộc trò chuyện với SCMP, Yichao cho biết văn hóa khác biệt khiến người châu Á hiếm có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh. Khi còn bé, Yichao thấy khá khó chịu khi thấy diễn viên hôn nhau trên màn ảnh. “Người châu Á không làm vậy”, anh nhớ lại.
Yichao cho rằng nhiều diễn viên châu Á ngại thể hiện điều đó trên phim. Cho đến khi bộ phim Ngọa hổ tàng long ra đời, các nhân vật trong phim tự do thể hiện tình cảm, đó cũng là lúc Yichao (và nhiều diễn viên châu Á khác) dám thể hiện bản thân với thế giới.
Sự thay đổi tích cực
Theo thời gian, hình tượng người châu Á trong các bộ phim nói tiếng Anh ngày càng đa dạng.
Các nhà làm phim người Mỹ gốc Á đưa văn hóa của mình phổ biến ra thế giới, tiêu biểu có Crazy Rich Asians - Con nhà siêu giàu châu Á. Bộ phim do Jon Chu làm đạo diễn thực sự gây bão truyền thông, giúp người phương Tây có cái nhìn đa chiều về văn hóa Á Đông. Theo SCMP, Con nhà siêu giàu châu Á là một trong những kịch bản hiếm có về người gốc Á được người phương Tây ưa thích.
“Cuối cùng thì mọi thứ cũng bắt đầu thay đổi và mở ra cánh cửa cho diễn viên gốc Á. Tôi hy vọng những gì chúng ta thấy sẽ tiếp tục phát triển. Tôi sẽ không dám nghĩ đến việc người gốc Phi và người gốc Á đóng chính, trò chuyện thân mật cùng nhau như trong Sense8”.
Theo Báo cáo Đa dạng Hollywood năm 2020, 93% giám đốc điều hành ở các studio cấp cao là người da trắng, trong số đó có 80% là nam giới.
Phim về người Mỹ gốc Á, người nhập cư xuất hiện ngày càng nhiều. |
Báo cáo của USC Annenberg cho thấy chỉ 6,4% tổng số CEO của tám công ty phim và phát trực tuyến (bao gồm Netflix, Sony, Warner Bros. và Universal Studios) là người Mỹ gốc Á. Không người châu Á nào đứng đầu với tư cách chủ tịch.
Song, Yichao và nhiều chuyên gia nhận thấy ngành công nghiệp điện ảnh đang trên đà thay đổi. Ngày càng nhiều người Mỹ gốc Á tham gia vào công việc hậu trường như sản xuất, đạo diễn, biên kịch trong các tác phẩm ở Hollywood.
Ngoài ra, câu chuyện về văn hóa, phong tục, lối sống và cả quan niệm tình dục, yêu đương của người châu Á nói chung, người Mỹ gốc Á nói riêng xuất hiện ngày càng nhiều trên màn ảnh.
Roger Tang, nhà sản xuất, ông chủ điều hành rạp chiếu phim ở Seattle cho biết: “Trong 7 đến 10 năm qua, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều nhân vật gốc Á hơn. Đặc biệt, người châu Á không bị gắn nhãn yếu đuối nữa. Họ xuất hiện đa dạng từ dị tính, đồng tính”.
Sau 40 năm gắn bó với ngành công nghiệp điện ảnh, Tang nói rằng ông rất vui mừng bởi sự gia tăng các câu chuyện về người Mỹ gốc Á trong các bộ phim lớn. Song, để người gốc Á trở thành nhân vật chính hoặc có câu chuyện riêng lại cần thêm nhiều thời gian.
“Chỉ khi nào các nhà sản xuất, đạo diễn thấy người châu Á quan trọng, phải xuất hiện trong phim của họ và được nhìn nhận với sự tôn trọng, đó mới là thành công”, Tang nói thêm.
Cuối tháng 6, Variety đưa tin hai diễn viên người Mỹ gốc Á Bowen Yang và Joel Kim Booster đóng chính trong Fire Island. Bộ phim hài lãng mạn lấy đề tài tình yêu đồng giới do nhà làm phim Andrew Ahn viết kịch bản.
Yichao phản ứng với tin tức này với sự vui mừng: “Tôi rất vui mừng khi mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Những bộ phim như của Andrew Ahn nên xuất hiện nhiều hơn, để những diễn viên dù đồng tính hay dị tính đều có thể tự tin thể hiện khả năng”.