Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 diễn ra từ ngày 23/8 tới 27/8 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Sự kiện được thực hiện nhằm tuyên truyền, quảng bá về nền văn hóa và hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Đây là dịp để các đơn vị xuất bản, phát hành trong nước giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức hoạt động về xuất bản mang tính quốc tế, giới thiệu xuất bản phẩm Việt Nam tới bạn đọc trong và ngoài nước.
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất Bản, In và Phát hành, Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Hội sách.
Ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất Bản, In và Phát hành . Ảnh: Tần Tần. |
- Ông có thể giới thiệu về nội dung hội sách, tính “quốc tế” trong Hội Sách Quốc tế Việt Nam lần thứ 6?
- Hội sách có 7 đơn vị nước ngoài trực tiếp tham gia. 24 nhà xuất bản lớn, có uy tín cũng thông qua các đơn vị xuất nhập khẩu sách của Việt Nam để có mặt tại hội sách.
Hội sách có khu vực dành cho các đơn vị nước ngoài trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán xuất bản phẩm của các nhà xuất bản, tổ chức phát hành nước ngoài.
Trong các sự kiện tại Hội sách, sẽ có các chương trình giao lưu với các đối tác nước ngoài. Như công ty Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về bản quyền xuất bản” có sự tham gia của đại diện công ty bản quyền của Nhật Bản.
Thông tin hướng dẫn tại Hội sách đều được in song ngữ để phục vụ các đơn vị quốc tế.
- Nhiều Hội sách Quốc tế chỉ giao dịch bản quyền, nhưng hội sách của chúng ta thường thiên về hoạt động bán sách. Vậy làm sao để chúng ta đẩy mạnh các giao dịch bản quyền trong hội sách lần này?
- Bất cứ hội sách nào cũng có quyền giao dịch bản quyền. Việc tổ chức hội sách với hình thức phong phú, hấp dẫn, thì nhiều người trong lĩnh vực xuất bản sẽ đến, ngồi với nhau, tạo cơ hội hợp tác. Để thúc đẩy giao dịch bản quyền thì không có gì khác ngoài thực hiện nội dung hội sách hấp dẫn.
Nhiều người tham gia, tổ chức có chất lượng tham gia, thì sẽ tạo ra môi trường trao đổi, hợp tác bản quyền tốt.
- Ở lần tổ chức trước, một số đơn vị quốc tế chỉ tham gia một, hai ngày đầu của hội sách, sau đó không thấy xuất hiện. Vậy Ban tổ chức làm thể nào để giữ chân được những đơn vị này?
- Các đơn vị của Việt Nam hay các nước khác đều có một nguyên tắc: Khi tồn tại ở hội chợ có tác dụng thì họ sẽ ngồi lâu. Nhưng nếu ít có tác dụng, trái ngược với điều kiện của họ thì họ sẽ rút nhanh. Ta chỉ có cách là càng ngày càng tạo ra hội chợ hấp dẫn để giữ chân họ.
Thông thường, nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài không trực tiếp đưa người sang tham gia Hội sách được, họ thông qua các đối tác tại Việt Nam. Ở các hội sách quốc tế khác cũng như vậy thôi. Như vậy, đơn vị đối tác ở Việt Nam nhiệt tình đến đâu cũng ảnh hưởng tới việc họ ở bao lâu tại hội sách lần này.
- Công tác tổ chức chuẩn bị cho hội sách được thực hiện như thế nào?
- Ngay sau khi tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 vào tháng 4 xong, chúng tôi khẩn trương bắt tay vào tiến hành chuẩn bị cho hội sách quốc tế luôn.
Cho đến giờ chót, còn có Trung tâm Văn hóa Khoa học Nga đăng ký tham dự. Các Trung tâm văn hóa nước ngoài thấy đây là cơ hội để quảng bá sách, văn hóa nên họ chủ động tham gia.
Hội sách Quốc tế Việt Nam năm 2015 thu hút đông đảo độc giả tham dự. |
- Ban tổ chức gặp khó khăn gì khi thực hiện hội sách quốc tế?
- Xuất bản thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân tự thân có, khách quan có. Nhưng hai năm một lần, chúng ta vẫn tổ chức được 5 hội chợ sách quốc tế rồi. Đến năm nay là 12 năm tổ chức, chúng ta đã xác định được chiến lược cho hội sách.
Tuy đơn vị tham gia hội sách ít, nhưng chúng ta vẫn phải làm. Muốn xây dựng thương hiệu quốc tế, chúng ta phải đi những bước đi đầu tiên. Tuy ít, nhưng có những nhà xuất bản lớn, lâu đời nhất thế giới tham gia như: Oxford, Harper Collins...
- Thực hiện 5 kỳ rồi, tại sao chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc thực hiện một hội sách quốc tế?
- Chúng ta thực hiện hội sách quốc tế đã 12 năm nay rồi (2 năm một lần), nhưng ta không nhiều kinh phí nên phải đi từng giai đoạn một. Ngay đến hội sách Frankfurt lớn như vậy, họ nổi tiếng như vậy, mà ban tổ chức của họ vẫn sang Việt Nam mời chúng ta tham gia. Lâu nay chúng ta vẫn tự tham gia hội sách Frankfurt rồi, nhưng họ vẫn tìm đến mong hợp tác sâu rộng hơn, vì họ thấy chúng ta là thị trường tiềm năng.
- Hội sách tổ chức ngoài trời, lại đúng vào mùa mưa bão, ban tổ chức có phương án dự phòng nào để đối phó thời tiết xấu?
- Ngoài che chắn cho kỹ thì không có phương án nào khác nữa. Những lần tổ chức hội chợ về sau này, ban tổ chức cũng lựa chọn các phương án kỹ thuật tốt để đảm bảo an toàn hơn trước thời tiết xấu như mưa lớn.
Triễn lãm – Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 năm 2017:
- 94 đơn vị tham gia, chia làm 90 gian hàng.
- Gần 40.000 đầu sách, hàng vạn bản sách được đưa tới Hội sách. Trong đó có 7.500 tên sách với trên 20.000 bản sách ngoại văn.
- Tới nay, có 21 sự kiện giao lưu, tọa đàm được phê duyệt để tổ chức tại Hội sách.