Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nhập không chỉ mang lại cơ hội

Nhiều người nói đến cơ hội khi Việt Nam hội nhập quốc tế và khu vực những lời thế thường được kể đến như nguồn nhân lực dồi dào và rẻ, thế mạnh nông nghiệp,...

Nhưng liệu những điều này có thực sự là những yếu tố thuận lợi khi mà bản thân nó cũng đang tiềm ẩn những thách thức?

Lợi thế nguồn nhân lực?

Ai cũng nhìn thấy nước Việt Nam đông dân, đa số là trẻ cùng với giá nhân công rẻ. Nhưng trở ngại lớn được nhắc đến nhiều là lao động thiếu kỹ năng. Trong kỳ họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tổ chức quốc tế đánh giá, ở Việt Nam 80% nhân viên văn phòng, 83% lao động kỹ thuật và 40% lao động phổ thông thiếu kỹ năng.

Không chỉ thiếu kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam cũng quá thấp như một hệ quả tất yếu. Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà một trong những nguyên nhân chính là năng suất lao động quá thấp. Ngoài ra, khi AEC được hình thành, sự tự do dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng tạo ra những thách thức đáng ngại.

Nhìn chung, lao động có kỹ năng ở các nước có trình độ cao hơn và với mức lương tương xứng sẽ sang cạnh tranh với lực lượng lao động Việt Nam. Thử hình dung một bác sĩ có tay nghề từ Singapore, Malaysia hay Thái Lan sang hành nghề ở Việt Nam, chưa biết trình độ có cao hơn không nhưng chắc là không có thói quen nhận phong bì và hoa hồng nhờ việc kê đơn thuốc.

Nguồn lao động có chất lượng của Việt Nam thì sẽ chạy sang các nước có mức lương cao hơn và môi trường sống tốt hơn. Điều này dẫn đến chảy máu chất xám.

Trong khi đó, lao động phổ thông ở Campuchia hay Myanmar cũng tốt hơn lao động Việt Nam ở một số khía cạnh: kỷ luật hơn, không ăn nhậu, năng suất làm việc cao hơn và quan trọng nhất là mặt bằng lương thấp hơn. Lực lượng lao động này cũng sẽ cạnh tranh với lao động phổ thông Việt Nam.

Lợi thế nông nghiệp?

Khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế lớn về gạo do Thái Lan và Ấn Độ là hai đối thủ chính lại không tham gia TPP. Hơn nữa thị trường tiêu thụ gạo lớn là Mỹ sẽ đưa thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào Mỹ từ 7% xuống 0%.

Tuy vậy, cũng để chuẩn bị cho AEC, các nước trong ASEAN đã đua nhau nhảy vào chuỗi bán lẻ của Việt Nam thông qua mua bán - sáp nhập hay đầu tư mới. Các chuỗi đại siêu thị như Metro, Parkson, Giant... đang chờ đợi khi thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0% thì một lượng hàng hóa lớn của nước họ sẽ tràn vào. Lúc đó, không chỉ hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà cả hàng nông sản của Việt Nam cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngành chăn nuôi cũng không ngoại lệ khi các cơ sở chăn nuôi lớn rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Các nhà nghiên cứu trong ngành đã chỉ ra những nguy cơ đối với ngành chăn nuôi bò, heo và gà. Khi việc sử dụng đồ đông lạnh trong cuộc sống công nghiệp trở nên phổ biến thì những heo đông lạnh, gà vừa sạch vừa rẻ sẽ từ các nước lân cận tràn vào. Trong một cuộc hội thảo gần đây, TS. Lê Đăng Doanh cho biết tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập 51.000 con bò từ Úc. Một con số đáng để suy ngẫm!

Trở ngại được nhắc đến của lao động Việt Nam là thiếu kỹ năng.

Trở ngại được nhắc đến của lao động Việt Nam là thiếu kỹ năng.

Gạo tưởng là một lợi thế lớn của Việt Nam nhưng không phải. Trong khi Việt Nam đang sa vào câu chuyện cạnh tranh gạo giá rẻ thì ngay bên cạnh ta, Campuchia đã cạnh tranh thành công ở phân khúc gạo cao cấp.

Một chiến lược hết sức bài bản đã được Campuchia thực hiện, từ trồng trọt đến tiếp thị, đưa sản lượng xuất khẩu gạo chất lượng của họ tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc. Việc các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam cũng nhảy sang đầu tư nông nghiệp ở Lào, Campuchia, Myanmar cho thấy nông nghiệp không còn là lợi thế của Việt Nam.

Có nên kỳ vọng vào phát triển công nghiệp phụ trợ?

Khi tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Nokia, Intel, Microsoft... Chính phủ và các cơ quan quản lý coi đó như một cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, có thể thấy là ngay cả các tập đoàn với tầm nhìn dài hạn vài chục năm cũng không mong chờ việc cung ứng thiết bị phụ trợ của Việt Nam.

Đơn cử chuyện một nhà máy ở Đức đầu tư 35 triệu đô la Mỹ chỉ để sản xuất ra cái kim khâu. Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư một nhà máy tương tự như vậy, nhưng họ thì khấu hao trong nhiều năm, còn ta thì khấu hao ngay từ đầu. Như vậy, giá thành sản phẩm của họ sẽ rẻ hơn ta nhiều. Hay chuyện một nhà máy sản xuất chỉ may có sản lượng khổng lồ ở Thẩm Quyến khi tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu chắc hẳn sẽ có đơn giá rẻ hơn nhiều so với một nhà máy của Việt Nam có quy mô sản lượng chỉ đủ cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam đang rất mong muốn gia tăng giá trị cho các sản phẩm gia công, xuất khẩu, song việc đầu tư các nhà máy phụ trợ cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bao gồm cả việc tìm hiểu rõ về các nhà cung ứng hiện có trên toàn cầu đã gia nhập vào chuỗi giá trị trước Việt Nam nhiều năm.

Tới đây, khi bước vào AEC, các lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam sẽ còn phải chịu sức ép cạnh tranh căng thẳng hơn nữa vì giá nhân công tại Campuchia và Myanmar thấp hơn, trong khi Thái Lan thì đã có nền công nghiệp phụ trợ phát triển hơn ta rất nhiều.

Những kịch bản xấu khác...

Trong một hội thảo gần đây về AEC, các nhà đầu tư ASEAN nhìn nhận Việt Nam ở hai yếu tố chính: (1) nguồn nguyên liệu, tài nguyên thô dồi dào, (2) dân số lớn đứng thứ 14 trên thế giới. Nhưng nếu cứ dựa vào nguồn nguyên liệu, tài nguyên thô, chẳng lẽ chúng ta cứ khai thác, bán hết của cải của con cháu? Còn về dân số đông, dễ nhận thấy nước ngoài đang mong chờ khai thác một thị trường tiêu thụ lớn.

Với hàng loạt hiệp định được đàm phán thành công, ngoài những thuận lợi, nền sản xuất trong nước không phải không đứng trước những mối đe dọa. Ví dụ trong danh mục 167 mã sắt thép mà Việt Nam đang đàm phán thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định Liên minh hải quan với Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) có hiệu lực (năm 2015), có tới 40 mặt hàng mà sản xuất trong nước đã dư thừa.

Ngành tài chính Việt Nam cũng bị thách thức cạnh tranh mạnh hơn khi vốn trong khu vực được dịch chuyển tự do và các ngân hàng Việt Nam thì đang suy yếu do hoạt động thiếu lành mạnh, nợ xấu quá lớn và bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.

Để hội nhập thành công, tránh các kịch bản xấu, Việt Nam buộc phải tái cơ cấu nền kinh tế và phân bổ lại các nguồn lực hiệu quả hơn.

http://www.thesaigontimes.vn/123168/hoi-nhap-khong-chi-mang-lai-co-hoi.html/

Theo Đinh Hồng Kỳ/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm