Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị Ngoại giao 30: Năm ngày làm việc, hơn 200 ý kiến quý báu

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Hội nghị Ngoại giao 30 đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho công tác đối ngoại.

Ngày 17/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 bế mạc dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Hội nghị kết thúc tốt đẹp sau 5 ngày làm việc chính thức với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII".

Trong các phiên làm việc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến phát biểu và chỉ đạo hội nghị.

Ngoài ra, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương cũng đến tham dự và trao đổi về tình hình đối ngoại phục vụ phát triển.

Thành công trước tiên là ở con người

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Thành công nổi bật của Hội nghị, trước tiên là sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước tại phiên khai mạc. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp của Đảng, Nhà nước đối với công tác đối ngoại, nói lên tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong thời kỳ hiện nay.”

Phó thủ tướng nhiệt liệt biểu dương sự đóng góp về trí tuệ và sự chuẩn bị chu đáo của các đại biểu. Qua 21 phiên họp và 5 ngày làm việc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã nhận được hơn 200 ý kiến đánh giá tình hình và công tác đối ngoại, làm sâu sắc thêm nhiệm vụ của ngành Ngoại giao trong phục vụ phát triển đất nước.

be mac Hoi nghi Ngoai giao 30 anh 1
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu Bế mạc Hội nghị. Ảnh: baoquocte.vn/Tuấn Anh

.

Phó thủ tướng cho biết Hội nghị đã đánh giá về kết quả triển khai công tác đối ngoại thời gian qua cũng như những biến chuyển của tình hình thế giới và khu vực, phân tích rõ các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các chính sách và biện pháp ứng phó trong tình hình mới.

“Nội dung của Hội nghị được thảo luận sâu sắc về khu vực, về vấn đề đa phương, vấn đề lãnh sự và công tác xây dựng ngành", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu.

Phó thủ tướng cho biết lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao kết quả của công tác đối ngoại. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực chuyển biến phức tạp, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển, nâng tầm ngoại giao đa phương, đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới…

Phó thủ tướng chia sẻ ngành ngoại giao sẽ quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đối với hoạt động đối ngoại của nước nhà, phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

be mac Hoi nghi Ngoai giao 30 anh 2
Hội nghị Ngoại giao có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hội nghị xác định những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới là nghiên cứu, xây dựng đường lối đối ngoại trong tình hình mới; đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, gắn với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các địa phương; xác định các định hướng và bước đi cụ thể cho các vấn đề đối ngoại lớn của đất nước nhằm tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển; nâng tầm ngoại giao đa phương, trong đó hiện thực hóa vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải của ngoại giao theo Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc; xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, theo đó sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đổi mới hơn nữa công tác cán bộ theo hướng hiện đại…

Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, thể hiện sự nhất trí cao về triển khai kết quả Hội nghị ngoại giao 30 và cụ thể hóa quyết tâm của ngành ngoại giao trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.

Ngoại giao phải đi đầu, tiếp tục là "điểm sáng" 

Trao đổi sau phiên bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Những kết quả mà chúng tôi đạt được trong hơn 2 năm qua được Đảng và Nhà nước đánh giá là một điểm sáng đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước trong việc thực hiện đường lối đối ngoại nói riêng và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII thành công tốt đẹp. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa lớn của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30”.

Thứ trưởng cho biết Hội nghị đã được tổ chức với hình thức sáng tạo, chủ động hơn với nhiều phiên họp khác nhau để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan tham gia công tác đối ngoại và các cộng đồng doanh nghiệp, địa phương tham gia vào công tác hội nhập quốc tế.

be mac Hoi nghi Ngoai giao 30 anh 3
Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN.

Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, ngành Ngoại giao "dứt khoát phải là những người đi đầu, đóng góp tích cực vào việc giữ vững một môi trường hòa bình và ổn định để phát huy các nội lực trong nước đồng thời tranh thủ những nguồn lực bên ngoài để phục vụ tốt nhất cho đất nước".

“Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đang trong quá trình định hình. Việc triển khai hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển càng ngày càng bài bản, chính quy và hiện đại hơn”, ông nói, đồng thời khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để đột phá vào các thị trường khó khăn, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nêu rõ Ngoại giao cần kết hợp tất cả các kênh đối ngoại để tạo sức mạnh tổng hợp, với trọng tâm là triển khai đồng bộ các hoạt động ngoại giao văn hóa và công tác bảo hộ công dân.

“Ngoại giao văn hóa hay công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại là rất quan trọng để đưa những hoạt động lớn của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Qua đó, tranh thủ được sự đồng thuận, sự hợp tác đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cho rằng để thực hiện được các mục tiêu, Bộ Ngoại giao cần lên kế hoạch cụ thể để đảm bảo có được đội ngũ cán bộ tốt nhất đáp ứng cho nhu cầu của tình hình mới, đảm bảo xây dựng nền ngoại giao vừa chính quy vừa chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, 'đại sứ công nghệ' phục vụ phát triển

Trong khi ngoại giao kinh tế phát triển ngày càng sâu rộng, các nhà ngoại giao khẳng định Việt Nam còn có nhiều cơ hội để tranh thủ nguồn lực, nâng cao thế và lực của đất nước.

Chủ tịch nước: Tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại, phát triển đất nước

Trong buổi tiếp đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới tư duy trước tình hình thế giới mới.

Ngọc Hà

Bạn có thể quan tâm