Theo đó, Hội nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động đơn phương phi lý của phía Trung Quốc. "Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị", Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác khẳng định.
Ngư dân Việt Nam đánh bắt trên Biển Đông. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hành động của Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, dẫn đến sản lượng khai thác hải sản bị giảm sút và thua lỗ.
Không chỉ vậy, thông báo của thành phố Hải Khẩu (Trung Quốc) còn vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam sớm có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hoạt động trên của Trung Quốc, tiến hành xua đuổi những tàu Trung Quốc lợi dụng hành động trên để vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, khai thác hải sản trái phép.
Trong văn bản phản đối, Hội nghề cá nhấn mạnh việc cần tăng cường lực lượng tàu chấp pháp trên biển để bảo vệ ngư dân Việt Nam khi bị phía Trung Quốc uy hiếp, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Lệnh cấm vô giá trị
Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước trong khu vực từng nhiều lần tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định lệnh cấm đơn phương này vô giá trị.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.