"Tôi nghĩ nếu chúng ta đi đúng hướng, năm 2022 là lúc dịch Covid-19 sẽ không chi phối cuộc sống của chúng ta quá nhiều", tiến sĩ Tom Frieden, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói với CNN.
Trong khi đó, tiến sĩ Yvonne Maldonado, nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Stanford, và nhiều chuyên gia y tế Mỹ đang cố gắng dự đoán hướng phát triển của đại dịch trong thời gian tới.
Dù đã có những bài học về dịch bệnh từ quá khứ, cách biến chủng Omicron xuất hiện từng khiến các nhà khoa học bối rối. "'Chúng tôi thực sự không đoán trước về biến thể Omicron", Maldonado nói. "Cũng có một vài dấu hiệu, nhưng chúng tôi không ngờ nó lại diễn ra nhanh như vậy".
Dòng người tấp nập qua lại tại Dublin, Ireland, trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tại nước này tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters. |
Tình hình hạ nhiệt
Biến chủng Omicron gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn từ khi nó xuất hiện. Hơn 1/4 trong tổng số các ca mắc Covid-19 ở Mỹ được ghi nhận chỉ trong một tháng qua là do Omicron, theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins.
Cũng theo bộ dữ liệu này, đến 20/1, số ca mắc mới giảm ít nhất 10% so với tuần trước trên 14 bang. Tuy nhiên, 26 bang lại chứng kiến số ca mắc tăng ít nhất 10%.
Làn sóng Omicron dường như đã đạt đỉnh tại một số khu vực biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Mỹ, như Boston và New York. Nhưng các bang khác vẫn đang chật vật đối phó với nó.
Ở bang Georgia, các lãnh đạo y tế ở Atlanta cho biết các bệnh viện chật kín.
Trong khi đó, do nhiều nhân viên y tế mắc bệnh, Lực lượng Vệ binh Quốc gia được phái đến Minnesota để hỗ trợ chăm sóc người bệnh.
Còn Thống đốc bang Lousiana, ông John Bel Edwards, cho biết số lượng ca mắc, nhập viện và tử vong vì Covid-19 "nhiều chưa từng thấy" tại bang này.
Người dân Mỹ xếp hàng chờ test Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" từ quan sát diễn biến ở châu Phi. Tại đây, các ca mắc đạt đỉnh và giảm xuống nhanh chóng. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở Anh, khiến các nhà khoa học dự đoán xu hướng này sẽ sớm xảy ra phần còn lại của thế giới.
Tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, đồng thời là giáo sư lâm sàng danh dự tại Trường Y tế Công cộng Berkeley thuộc hệ thống Đại học California, dự báo: "Từ khoảng giữa tháng 2, tình hình sẽ tốt hơn".
Theo nhiều chuyên gia, nếu đợt tăng đột biến này giảm nhanh chóng, thế giới có thể sẽ trải qua một "khoảng thời gian yên bình".
"Tia hy vọng đang ở đây. Chúng ta sẽ làm chủ cuộc sống nhiều hơn", Swartzberg nói. "Tôi nghĩ rằng tháng 5 hoặc tháng 6 sẽ đem lại cho chúng ta nhiều hy vọng".
Người dân đeo khẩu trang tham gia một chương trình ca nhạc ở Barcelona, Tây Ban Nha hồi tháng 3/2021. Ảnh: AP. |
Sự lạc quan của tiến sĩ Swartzberg đến từ việc cộng đồng đạt miễn dịch ngày càng tăng. Nhiều người đã được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường, cùng với số người mắc bệnh trong giai đoạn biến thể Omicron hoành hành.
"Nhìn chung, mức độ miễn dịch cộng đồng sẽ cao hơn nhiều so với lúc biến chủng Omicron xuất hiện. Điều này sẽ giúp chúng ta chống chọi với Delta, Omicron nếu chúng vẫn còn xuất hiện, và cả những biến thể mới", tiến sĩ Swartzberg nói.
Các biến chủng tiếp theo
"Tôi dự đoán rằng một biến chủng khác của virus sẽ xuất hiện", tiến sĩ Maldonado nói. Theo ông, biến chủng mới có thể dễ lây truyền tương tự hoặc hơn Omicron, làm cho người nhiễm gặp các triệu chứng nặng hơn hoặc không có triệu chứng nào cả.
Tiến sĩ George Rutherford, nhà dịch tễ học tại Đại học California, San Francisco, nói: "Chúng ta chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo". Ông cho biết có thể virus sẽ biến đổi dần dần, giống với chủng Alpha và Beta. Hoặc nó cũng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn, như Delta và Omicron.
Virus cúm H1N1 là một điển hình. Vào năm 1918, virus này đã gây ra một trong những trận đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến 3/4 dân số thế giới bị lây nhiễm và giết chết 50 triệu người trong số đó.
Y tá Frances Whyte cầm khay đựng liều vaccine bổ sung Moderna tại trung tâm tiêm phòng vaccine RDS (Royal Dublin Society) ở Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters. |
Cuối cùng, đại dịch cũng kết thúc, nhưng virus vẫn sống với chúng ta đến ngày nay. "Mỗi năm, chúng ta đều thấy một biến chủng mới của virus H1N1, nhưng nó đều đến từ một chủng", ông Maldonado nói. "Rất có thể virus corona sẽ phát triển tương tự".
Tại Mỹ, trung bình 35.000 người qua đời mỗi năm vì bệnh cúm mùa, theo CDC. "Và cuộc sống vẫn đang tiếp tục", Swartzberg nói. "Tôi không nghĩ chúng ta sẽ phải chứng kiến những gì đã xảy ra thêm một lần nữa".
Nếu kịch bản Covid-19 xảy ra tương tự dịch cúm H1N1, thế giới cần bảo vệ người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bằng việc đảm bảo họ được tiêm chủng đầy đủ và cung cấp đơn thuốc.
Các công ty sản xuất vaccine cần nghiên cứu các dòng vaccine riêng cho từng loại biến chủng, để người dân có thể tiêm đều đặn mỗi năm. Các quốc gia cũng cần cải thiện khâu xét nghiệm Covid-19.
Kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là một biến chủng mới "vô hiệu hóa" sự bảo vệ của vaccine và các biện pháp điều trị. Tuy nhiên, "tôi nghĩ trường hợp đó ít có khả năng xảy ra", tiến sĩ Maldonado nói.
Bác sĩ Marwa Kilani nói chuyện với một bệnh nhân Covid-19 phải điều trị hồi sức. Ảnh: Los Angeles Times. |
Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, phó giáo sư y khoa và chuyên gia về bệnh phổi tại Trường Y Johns Hopkins, cho biết: “Tất cả những gì chúng ta cần làm là đẩy mạnh tiêm vaccine”.
Galiatsatos đã đến nói chuyện với hàng trăm nhóm dân cư, khuyến khích mọi người tiêm vaccine. Ông cho rằng các nhà khoa học sẽ tiếp tục hướng đi này.
"Chúng ta có khoa học - thứ vũ khí mạnh mẽ để biến Covid-19 thành một căn bệnh cúm mùa. Mọi người cần phải có niềm tin và tiêm chủng đầy đủ", Galiatsatos nói.
Đến nay, chỉ mới 1/4 dân số nước Mỹ được tiêm chủng và tiêm bổ sung, theo CDC. Nếu người dân không tiêm vaccine, số lượng người nhập viện cũng sẽ tăng. Từ đó, các biến thể mới sẽ có cơ hội xuất hiện, cơ quan này khuyến cáo.