Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồi hương tránh dịch: Thấu tỏ nhiều điều từ trong hỗn độn

"Tôi hy vọng sau đại dịch, kiều bào có cái nhìn cập nhật hơn về Tổ quốc. Cơn bĩ cực này khiến mỗi người tự nhìn lại mình và biết trân quý những gì mình đang có".

Những ngày này, khi đất nước oằn mình chống dịch, việc người lao động, du học sinh và Việt kiều từ các vùng tâm dịch đổ về khiến nhiều người lo lắng, chê trách, thậm chí phê phán vì nhiều lý do khác nhau.

Dung oan nguoi ve nuoc anh 1

Dòng người trở về Việt Nam trong mùa Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà

Người lo “nhập khẩu vi rút” khiến dịch bệnh tràn lan khó kiểm soát, người lo đất nước nay lại phải tiêu tốn quá nhiều nhân lực và tài lực để cách ly và điều trị. Nhưng xin đừng trách những người trở về, bởi lẽ chạy về nơi an toàn vốn là bản năng sinh tồn của mọi loài.

Tôi tự hỏi mình, nếu tôi và con tôi đang ở giữa tâm dịch mà những biện pháp xử lý của quốc gia sở tại không “khiến tôi cảm thấy an toàn”, tôi có cố rời đi để tìm một chỗ khác khiến tôi an tâm về tính mạng của mình và của con mình hơn không? Trong hoàn cảnh đó, tôi không dám khẳng định rằng mình sẽ ngồi yên.

Ở Việt Nam, tôi và các bạn đang ngồi yên vì cách ứng phó của chính phủ và các cơ quan hữu quan “khiến tôi cảm thấy an toàn” (Tôi không dám đánh giá biện pháp của nước nào tốt hơn nước nào, bởi mỗi nước có những cách xử lý khác nhau, một khi dịch bệnh chưa kết thúc thì còn chưa phân định được).

Không bàn đến những mất mát đau thương về nhân mạng lẫn các thiệt hại kinh tế, cơn đại dịch này cho phép cá nhân tôi - công dân ở một nước nghèo - hiểu thêm một chút về thế tiến thoái lưỡng nan của những nước giàu trong vấn đề người nhập cư (lẽ ra tôi phải gọi là nước đang phát triển với nước đã phát triển, nhưng nghèo - giàu có lẽ khiến chúng ta dễ hình dung hơn).

Người ta nên ứng xử thế nào với hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu con người khốn khổ đang chực chờ ở sân bay, đang đau đáu trông ngóng dọc biên giới đất nước họ, cầu xin một cơ hội “được - sống - tốt - hơn”. Sẽ thật nhẫn tâm nếu quay lưng từ chối.

Nhưng nếu vì nhân đạo mà tiếp nhận thì bài toán kinh tế của quốc gia sẽ giải quyết ra sao? “Nồi cơm” của những công dân hiện tại, có phải niêu cơm Thạch Sanh đâu, phải tính thế nào?

Tại Italy, một trong những quốc gia có nhiều người nhập cư nhất châu Âu (khoảng 5,3 triệu người, hiện đứng thứ 3, sau Đức và Vương quốc Anh), người bạn của tôi lo lắng cho biết khi ra trường, công việc đầu tiên có lẽ chỉ giúp bạn kiếm được tầm 1.000 euro mỗi tháng, vừa đủ chi tiêu dè sẻn. Nếu bạn chê lương ít mà không nhận công việc đó thì sao? Thì có hằng hà sa số người nhập cư sẵn sàng làm công việc ấy với mức lương 700 euro!

Tương tự, tại Australia, vì có những du học sinh như tôi, và những người nhập cư sẵn sàng làm việc quần quật trong các nhà hàng, các chợ rau quả với mức lương bèo bọt 10 đôla Úc / giờ cũng là một phần lý do khiến người bản xứ khó tìm được công việc tương tự với mức lương 20 đôla / giờ. Đó là chưa kể những gánh nặng lên hệ thống y tế công và các phúc lợi xã hội khác.

Có lẽ khá khập khiễng khi so sánh vấn đề nhập cư ở các nước phát triển với việc kiều bào về Việt Nam tránh dịch Covid-19 bởi quy mô, tính chất và thời điểm có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, cả hai đều giống nhau ở chỗ chúng đặt quốc gia tiếp nhận vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà người ngoài nhìn vào ít khi hiểu và thông cảm hết.

Dung oan nguoi ve nuoc anh 2

Tác giả bài viết - nhà văn Cúc T - từng học tập tại Australia.

Một cơn đại dịch làm đình trệ và đảo lộn mọi thứ, nhưng trong sự đảo lộn ấy, chúng ta có cơ hội được đặt mình vào vị trí của nhau, hiểu nhau hơn. Tôi hy vọng sau trận dịch này, các kiều bào được dịp lánh dịch ở Việt Nam, khi quay về quê hương mới sẽ kể lại để cộng đồng Việt kiều có một cái nhìn “cập nhật” hơn về quê nhà.

Để từ nay khi tôi ra nước ngoài, đồng bào sẽ không còn đặt cho tôi những câu hỏi như “Con ở Bến Tre hả, ở đó có điện không? Con làm Marketing hả, mỗi tháng kiếm được 200 đôla không?...”

Đâu chỉ là hiểu nhau, cơn bĩ cực này còn khiến mỗi người tự nhìn lại mình và biết trân quý những gì mình đang có. Khi số ca tử vong trên toàn cầu đang ngấp nghé 10.000 và số ca lây nhiễm thì tăng lên theo cấp số nhân, người ta mới nhớ ra điều vô cùng đơn giản: Sức khoẻ là tài sản quan trọng nhất! Xin kết thúc bài viết này bằng lời một cụ già thất thập cổ lai hy: “Sáng nay thức dậy, bạn hãy cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì mình vẫn còn thức dậy”.

Yêu trong mùa Covid

Thôi chúng mình an ủi, xem như tự “cách ly”. Để tình yêu sau đó, mọc như cỏ xanh rì...

Cúc T

Bạn có thể quan tâm