Trong bài viết đăng trên Nikkei Asian Review, ông Kimkong Heng, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, lập luận rằng đầu tư Trung Quốc đã ảnh hưởng tới chính trị trong nước và chính sách đối ngoại của Campuchia dẫn đến những thay đổi sâu rộng về môi trường và văn hóa - xã hội.
Nói cách khác, những mặt trái của việc đầu tư này là bài học cho các nước châu Á khác.
Theo nhà nghiên cứu Kimkong Heng, lợi ích của làn sóng đầu tư Trung Quốc dường như được chia sẻ với đa số người dân địa phương. Ảnh: Getty Images. |
Viện trợ, đầu tư Trung Quốc tăng "chóng mặt"
Theo ông Heng, quan hệ Campuchia và Trung Quốc thắt chặt hơn sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2010, nhờ việc Phnom Penh đi theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Kể từ đó, sáng kiến này đã mang lại phát triển cơ sở hạ tầng đáng kể cho Campuchia, như đặc khu kinh tế Sihanoukville với vốn Trung Quốc và cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville, được khởi công tháng ba theo mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Trong quá trình này, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nước đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, và đồng minh thân cận nhất của Campuchia. Bắc Kinh đã cấp kinh phí cho 7 dự án đập thủy điện có thể cung cấp một nửa nhu cầu điện năng của Campuchia. Tính từ thập niên 1990, Trung Quốc xây dựng tổng cộng 3.000 km cao tốc và 8 cây cầu.
Giữa những năm 2013-2017, Trung Quốc đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia, trung bình 1 tỷ USD mỗi năm. Năm 2018, FDI vào Campuchia đạt 3,1 tỷ USD, đứng đầu là từ Trung Quốc.
Một dự án Trung Quốc đang được xây dựng tại Sihanoukville. Ảnh: AFP. |
Quan hệ thương mại song phương đạt 6 tỷ USD năm 2017, trong đó xuất khẩu từ Trung Quốc sang Campuchia chiếm 87%. Bắc Kinh có tham vọng tăng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2023, theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Đầu năm 2019, Trung Quốc cam kết thêm 588 triệu USD viện trợ trực tiếp cho Campuchia trong khoảng thời gian ba năm tới.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có một số gói viện trợ khác, nằm trong sáng kiến Hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC): nhập 400.000 tấn gạo của Campuchia trong năm 2019, viện trợ 90 triệu USD để hỗ trợ công nghiệp quốc phòng Campuchia và cam kết hỗ trợ nếu Campuchia mất quyền tiếp cận ưu đãi với thị trường EU.
Tỉnh ven biển Sihanoukville nói riêng đã đón nhận các khoản đầu tư lớn nhờ vị trí thuận lợi và chính sách “trải thảm đỏ” cho đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và sòng bạc.
Đã có hơn 80 sòng bạc, chủ yếu do người Trung Quốc sở hữu trong khu vực. Điều này dẫn đến làn sóng du khách Trung Quốc đến đây, kéo theo các nhà đầu tư.
Người Trung Quốc sở hữu hơn 90% khách sạn, sòng bạc ở Sihanoukville. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2018, khoảng 2 triệu du khách đến Campuchia, tăng 70% so với năm trước đó, theo Bộ Du lịch Campuchia, và con số này dự đoán sẽ đạt 3 triệu lượt vào năm 2020.
Theo báo cáo gần đây của chính quyền Sihanoukville, người Trung Quốc đang sở hữu 90% các doanh nghiệp của tỉnh, bao gồm khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, tiệm massage. Điều này gây ra lo ngại rằng Trung Quốc đang độc chiếm nền kinh tế địa phương.
Người Campuchia tránh "phố Tàu" Sihanoukville
Truyền thông địa phương cũng như quốc tế đã vẽ nên sự chuyển mình ngoạn mục của Sihanoukville từ thị trấn biển tẻ nhạt thành trung tâm bài bạc giống như Macau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng khu vực đã mất đi bản sắc vốn có giữa làn sóng mang tên Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu gần đây của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, ông Heng và cộng sự, Sovinda Po, đã ghi nhận các lo ngại ngày càng tăng và thái độ chống Trung Quốc trong số người dân địa phương, giữa sự phát triển của Sihanoukville và các cơ hội việc làm nở rộ nhờ đầu tư Trung Quốc.
Vụ tòa chung cư do Trung Quốc sở hữu đang xây dựng thì đổ sập ngày 22/6, khiến 28 người chết và ít nhất 26 người bị thương, hầu hết là công nhân xây dựng Campuchia, lại càng khắc sâu thái độ tiêu cực về đầu tư Trung Quốc tại đây.
Chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cạnh Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trên đường phố Phnom Penh. Ảnh chụp trước chuyến thăm của ông Tập đến Campuchia vào tháng 10/2016. Ảnh: AFP. |
Các tin tức về quấy rối tình dục, bắt cóc, tai nạn giao thông liên quan đến người Trung Quốc càng làm tăng tư tưởng bài Trung. Nhiều người Campuchia giờ đây tránh Sihanoukville, từng là điểm du lịch ưa thích của họ, vì cho rằng nơi này đã trở thành “khu phố Tàu”. Bộ Du lịch ra báo cáo cho biết số khách trong nước tới Sihanoukville trong mùa lễ hội Pchum Ben đã giảm 13,5% so với năm trước.
Họ cũng không thích chi phí ăn ở tăng cao. Người Campuchia do vậy đã chuyển sang các địa điểm khác như Kampot, Siem Reap và Ratanakiri.
Mặc dù các khoản đầu tư “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã giúp Sihanoukville phát triển, lợi ích đó không được chia sẻ đồng đều với người dân địa phương. Dường như chỉ có những giới giàu có hoặc người Campuchia đã có sẵn nhà, đất, hoặc phục vụ khách Trung Quốc là hưởng lợi.
Hơn nữa, các bằng chứng cho thấy rằng nhiều công trình do Trung Quốc xây nên không được quản lý tốt hay giám sát bởi các cơ quan liên quan.
Vụ tòa chung cư do Trung Quốc sở hữu đang xây dựng thì đổ sập ngày 22/6, khiến 28 người chết, càng khắc sâu thái độ bài Trung tại đây. Ảnh: AP. |
Cần phòng “hội chứng Sihanoukville” lây sang nơi khác
Sau vụ sập tòa nhà, một ủy ban thanh tra xây dựng mới được lập ra để rà soát toàn bộ các dự án xây dựng trên cả nước, và Bộ Quản lý Đất, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia cho biết đã phát hiện ít nhất 5 công trình không phép ở Sihanoukville.
“Trước sự phát triển không kiểm soát dưới tay các nhà đầu tư Trung Quốc và ảnh hưởng về văn hóa - xã hội và môi trường của những khoản đầu tư này, việc xem lại cách tiếp cận với đầu tư nước ngoài, đầu tư Trung Quốc là tối quan trọng đối với chính quyền trung ương và địa phương Campuchia”, ông Heng viết trên Nikkei Asian Review.
Các sòng bạc mới được xây dựng bởi nhà đầu tư Trung Quốc ở Sihanoukville. Ảnh: Getty Images. |
Là nước nhỏ, đón nhận nền kinh tế thị trường mà chưa có đủ năng lực và cơ chế, Campuchia khó có thể thắt chặt quy định giám sát, kiểm soát giới đầu tư nước ngoài, theo ông Heng. “Nhưng chính phủ Campuchia phải làm vậy nếu muốn tránh ‘hội chứng Sihanoukville’ trên các nơi khác của đất nước”.
Nhà nghiên cứu từ Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cho rằng chính quyền các cấp cần phải làm sao để phát triển, và đô thị hóa nhanh chóng nhưng vẫn bao trùm và bền vững.
“Thực thi luật pháp nghiêm minh, tạo cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả, và thúc đẩy các thể chế chịu trách nhiệm và phản hồi với người dân là điều quan trọng để đẩy lùi tác động xấu của đầu tư nước ngoài”, ông kêu gọi chính phủ Campuchia.
“Campuchia cần phải tìm ra cách để đầu tư từ Trung Quốc hay các nước khác có lợi thay vì gây hại. Nước này cần tiếp tục chống tham nhũng, hình thành cơ chế quản lý tốt, đầu tư vào nguồn nhân lực, và cải cách thể chế một cách ý nghĩa - tất cả đều đóng góp vào tham vọng của một nước muốn đạt thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050”, bài viết của ông Heng tiếp tục.