Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về trận chung kết Champions League 2005 ở chương 13 trong cuốn tự truyện có tên “Tôi tư duy nghĩa là tôi chơi bóng” (I Think, Therefore I Play) của Andrea Pirlo.
Cuốn tự truyện ghi lại thời điểm AC Milan dẫn trước 3-0 trong hiệp một rồi bị Liverpool lội ngược dòng gỡ hòa 3-3 và nhận thất bại 2-3 trên loạt sút luân lưu. Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch và chi tiết cũng lý giải gián tiếp về trận chung kết điên rồ tại Istanbul đã ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào với AC Milan, đặc biệt là Andrea Pirlo.
Andrea Pirlo từng thừa nhận bị mất ngủ và không còn hứng thú với việc thi đấu sau chung kết Champions League 2005. |
Hội chứng Istanbul
Đã có lúc tôi không muốn dính líu gì đến bóng đá nữa và ý tưởng ấy khiến bụng tôi quặn lên. Có vẻ tôi đã ăn quá nhiều, đến mức có thể nôn ngược trở ra.
Đấy cũng không phải là lỗi của Zlatan Ibrahimovic và Oguchi Onyewu, 2 trong số những đồng đội của tôi tại Milan. Một người Thụy Điển cừ khôi và một người Mỹ vì thích bóng đá thay vì bóng chày, bóng rổ, khúc côn cầu trên băng hay hamburger của McDonald’s.
Trong buổi tập ở Milanello, họ lao vào đánh nhau chí chết như 2 đứa trẻ. Ban lãnh đạo nói đấy chỉ là cuộc va chạm nho nhỏ, nhưng có những rẽ xương sườn bị gãy sau cuộc giao tranh. Như tôi đã nói, ngay cả cuộc đánh nhau ấy cũng không phải là lý do khiến tôi muốn treo giày.
Tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ bóng đá sau đêm Istanbul. Khi ấy tôi không còn cảm thấy hứng thú với bất kỳ thứ gì nữa. Trận chung kết Champions League 2005 thật sự bóp nghẹt cảm xúc của tôi. Với nhiều người, Milan thua là bởi Jerzy Dudek, gã thủ môn ngớ ngẩn với đôi chân đảo như rang lạc khiến chúng tôi lúng túng. Nhưng cuối cùng, chính chúng tôi mới là những kẻ đáng trách nhất.
Vì sao việc ấy lại diễn ra, tôi không biết nữa. Sự thật là điều ngỡ như bất khả rốt cục lại trở thành sự thật. Đấy là vụ tự sát tập thể mà ai cũng góp một phần. Tai họa ấy như viên đạn ghim vào người tôi và không bao giờ lấy ra được nữa. Tôi luôn cảm thấy sự hiện hữu của nó trong người. Thỉnh thoảng nó lại khiến tôi đau nhức, như thể mọi thứ mới diễn ra hôm qua.
Khi cuộc tra tấn ấy kết thúc, chúng tôi ngồi trong phòng thay quần áo tại sân Atatuerk, cảm giác như hàng thế kỷ đã trôi qua. Cả bọn như những thây ma khát máu, nhưng đã hút sạch máu của chính mình đến giọt cuối cùng. Chẳng ai mở miệng nói được một lời nào, chẳng ai nhấc tay chân lên nổi. Tất cả đều suy kiệt về tinh thần và tốn nhiều thời gian để vượt qua được việc ấy. Sau đêm ấy, chúng tôi đã tìm ra căn bệnh mới với nhiều triệu chứng khác nhau: Hội chứng Istanbul.
Đội hình ra sân của AC Milan ở trận chung kết Champions League 2005. |
Khi ấy tôi chẳng còn muốn chơi bóng nữa, sự tàn phá tinh thần ấy là quá đủ. Tệ hơn, tôi thậm chí thấy cuộc đời hết đáng sống. Đùng một cái, bóng đá trở thành thứ ít quan trọng nhất. Tôi không dám nhìn vào gương, chẳng dám nhìn vào thực tế. Tôi chỉ phóng tầm mắt về phía cuối con đường. Sự nghiệp của mình nên khép lại là vừa rồi. Nếu còn đá nữa, chặng đường trước mặt sẽ đầy mệt mỏi và lo âu.
Sau chung kết tại Istanbul vào ngày 25/5, chúng tôi vẫn còn nốt một trận nữa tại Serie A vào ngày 29/5. Chúng tôi vẫn phải trải qua thêm 4 ngày nữa để bước vào trận đấu với Udinese. Cuộc hành xác giác gian khổ ấy là sự trừng phạt nặng nề, xấu hổ nhất. Chúng tôi như những người đang lê từng bước đến cuộc hành hình mà mỗi bước đi đều có những ánh mắt sỉ nhục dõi theo.
Nỗi đau dai dẳng và màn báo thù
Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không bao giờ quên được ký ức hãi hùng ấy. Khi cả đám ngồi nói chuyện với nhau, thế nào cũng sẽ có ai đó nhắc lại, đầy đau đớn và ám ảnh. Nhiều câu hỏi được đặt ra, rốt cục chẳng ai có thể trả lời. Cả đám đều là những bệnh nhân mạn tính nhưng chẳng có lấy một bác sĩ.
Tôi gần như không ngủ được suốt một thời gian dài. Khi cơ thể suy kiệt và thiếp đi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi thức giấc là sự ghê tởm và hổ thẹn, với chính bản thân mình. Có cảm giác như tôi đi ngủ với Dudek và toàn bộ các cầu thủ Liverpool. Trận đấu với Udinese đã kết thúc với tỷ số 0-0, bàn thắng trở thành người xa lạ hoàn hảo. Cơn ác mộng bắt đầu khi bạn chợp mắt và chỉ kết thúc khi bạn mở mắt ra. Nó tràn từ ngày này qua ngày khác, nó dày vò, đau khổ.
Andrea Pirlo đã ví thất bại của AC Milan ở trận chung kết Champions League 2005 như cuộc ‘tự sát tập thể’. |
Chúng tôi vẫn còn nghĩa vụ với đội tuyển quốc gia. Khi gặp lại chúng tôi, Lippi đã thốt lên: "Các chàng trai của tôi ơi, nhìn các cậu như xác chết biết đi ấy". Chúc mừng Marcello, ông đã thấy điều mà một người mù cũng thấy. "Nhưng cám ơn vì vẫn còn lê thân đến đây", Lippi nói.
Không ai trong chúng tôi có thể suy nghĩ tích cực. Cá nhân tôi chào các thành viên trong ban huấn luyện như thể đấy là lần cuối cùng tôi nhìn họ. Và tôi đã thật sự nghĩ đến việc giã từ, chuyển sang làm việc gì đó để cứu lấy cuộc đời mình.
Tuy nhiên, rồi mọi thứ cũng dần cải thiện trong kỳ nghỉ hè năm ấy dù vết thương không bao giờ liền da như cũ. Cảm giác ấy như ghì chặt vào chân, cố kéo tôi quỵ xuống. Đến tận bây giờ, khi chuyền hỏng một đường bóng, tôi lại đổ thừa cho Hội chứng Istanbul. Vì vậy, tôi cố không bao giờ dính líu đến các hình ảnh liên quan đến trận đấu ấy.
Tôi chuyển kênh ngay khi tivi phát lại những hình ảnh của trận đấu, không bao giờ cố làm mình tổn thương lần nữa. Tôi đã chơi trong trận đấu ấy một lần bằng xương bằng thịt và hàng nghìn lần trong tưởng tượng, trong những giấc mơ, cố tìm cho mình lời giải thích, cố hướng đến kết cục khác. Giống như bạn xem phim lại lần thứ 2, giả vờ như mình không biết trước kết thúc của nó vậy. Tại sao nhân vật chính lại có thể chết như thế cơ chứ?
Chúng tôi trỗi dậy 2 năm sau đó, 2007, khi đánh bại chính Liverpool ấy trong trận chung kết khác. Trận đấu diễn ra tại Athens và Inzaghi lập một cú đúp, trong đó có 1 bàn từ quả đá phạt của tôi. Niềm vui ấy rất lớn, nhưng vẫn không thể khỏa lấp được nỗi đau. Người ta bảo báo thù là món ăn chỉ ngon khi để nguội. Có vẻ như món ăn ấy vẫn chưa nguội, những vết thương vẫn còn đang mưng mủ. Chúng tôi ăn mừng, nhưng không thể nào quên việc của 2 năm trước.
AC Milan đã báo thù Liverpool bằng chiến thắng 2-1 trong trận chung kết Champions League 2007. |
Chúng tôi không quên, nên thậm chí có người đề nghị hãy treo một chiếc băng đen lên những bức tường của Milanello, cạnh bức ảnh chụp lại những vinh quang. Đấy sẽ là thông điệp cho các thế hệ tương lai, rằng cảm giác tự mãn có thể là bước vững chắc nhất để thẳng tiếng đến địa ngục.
Cá nhân tôi cũng luôn điền thảm họa ấy vào danh sách những chiến tích của mình tại Milan. Tôi điền tên nó ngang hàng với những chức vô địch mà mình đã đạt được, thậm chí viết bởi loại mực đặc biệt, dễ nhận ra nhất. Luôn có những bài học được rút ra vào những thời khắc đen tối nhất. Hãy cố đào thật sâu vào chính nỗi đau của mình để tìm thấy viên ngọc của sự thông thái.