Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội An không đánh mất mình từ chuyện thu phí tham quan

Dù mỗi người có cung bậc cảm xúc khác nhau về việc thu phí, nhưng điều có thể cảm nhận ngay là tình cảm đáng trân trọng, sự quan tâm đặc biệt của họ dành cho khu phố cổ.

Những ngày qua, câu chuyện vé tham quan khu phố cổ Hội An như “lên cơn sốt” trong dư luận, trên các diễn đàn. Vậy bản chất của vấn đề ở đâu?

Chuyện của ngày trước

Những năm trước đây, vé tham quan phố cổ Hội An cho 4 điểm di tích, thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, là 7.000 đồng/khách nước ngoài và 1.500 đồng/khách nội địa. Trong đó, số tiền được trích 50% cho các chủ di tích, 50% còn lại đưa về bộ phận hành chính, ấn loát, điện nước, sửa chữa nhỏ các di tích trong ô vé tham quan… Giá vé quá thấp, nhiều đoàn du khách đến phố cổ không qua bộ phận bán vé nên khoản thu tham quan của Nhà nước không đáng kể, nhà nước phải bù lỗ.

Từ cuối năm 1992, giá vé được điều chỉnh lên 5.000 đồng/lượt đối với khách Việt Nam, 50.000 đồng/lượt đối với khách quốc tế (tương đương 5 USD) và tổ chức thu phí trọn gói đối với khách tham quan khu vực I của phố cổ.

Nhiều du khách nước ngoài chọn Hội An là điểm đến lý tưởng trong chuyến du lịch đến Việt Nam.

Sau nhiều tranh luận, ngày 15/10/1995, Hội An chính thức bán vé trọn gói tham quan Khu vực I phố cổ với giá gấp 10 lần. Ngày đầu tiên, ban quản lý bán được 324 vé (199 vé của khách nước ngoài) doanh thu 11 triệu đồng. Năm 1995, tổng số tiền thu từ vé tham quan đạt 5,7 tỷ đồng. Trước đó, tiền bán vé một năm được 52 triệu đồng, chi phí hết 57 triệu đồng.

Chuyện của bây giờ

Từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả “vùng lõi” - khu vực I của khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới đã nhiều lần thay đổi, cải tiến phương thức tổ chức, nội dung chương trình. UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đã đánh giá cao phương án này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan.

85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.

Từ nguồn thu vé tham quan, Hội An mới đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án: Đêm phố cổ, Phố cổ không có tiếng động cơ, Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ, Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm, Giờ tắt điện,… Những sản phẩm này làm cho “vẻ đẹp không trùng lặp” của 9 loại hình kiến trúc với hơn 1.300 di tích trong khu phố cổ Hội An có hồn cốt, gắn quyện với nhau, lung linh và an lành trong một không gian tổng thể.

Chỉ số giá tiêu dùng ngày một tăng, từ 1/11/2012, TP Hội An quyết định điều chỉnh giá vé khách nước ngoài từ 90.000 đồng lên 120.000 đồng, khách Việt Nam từ 45.000 đồng lên 80.000 đồng/người. Mỗi khách tham quan sẽ được ở trong khu phố cổ từ 7h đến 22h, tự chọn cho mình điểm đến thuộc nhiều loại hình di tích trong 22 điểm tham quan tiêu biểu cũng như thưởng thức các loại hình nghệ thuật. Đối với khách nước ngoài, ô vé tự chọn từ 5 điểm tăng lên 6 điểm, khách Việt Nam từ 2 điểm tăng lên 3 điểm.

Bên cạnh đó, thành phố Hội An cũng có một số ưu đãi: đối với khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch tổ chức, thành phố đã có cơ chế giảm miễn: đủ 15 khách, miễn 1 vé và đoàn đủ 8 khách, miễn phí hướng dẫn viên, trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí. Một số ưu đãi “ngoại lệ” như với khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ có giá trị trong 24 giờ như đúng quy định mà có giá trị trong suốt thời gian khách lưu trú.

Cần tiếp thu và điều chỉnh cách làm

Về bản chất, chủ trương bán vé trọn gói và cơ cấu giá vé không thay đổi, vấn đề ở chỗ, vé tham quan Hội An thường có trong giá tour chào bán của các hãng lữ hành. Lâu nay, tình trạng nhiều đơn vị tổ chức lữ hành không mua vé cho khách, đến khu phố cổ Hội An thả du khách đi lang thang, không hướng dẫn chăm sóc chu đáo. Điều này tạo nên cảm giác hụt hẫng cho du khách vì không có vé đồng nghĩa với việc không được khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó họ được tận hưởng.

Từ tháng 4/2014, mức phí tham quan khu phố cổ Hội An đã tăng.

Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui được triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan với rất nhiều công việc để làm sao “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai những chốt chặn, kỹ năng và thái độ giao tiếp chưa tốt của người kiểm soát, người bán vé; sự giải thích chưa đầy đủ, thấu đáo đã gây nên sự bất bình, hiểu lầm trong du khách.

Vấn đề trên, lãnh đạo thành phố đã tiếp thu và lập tức chấn chỉnh với quyết tâm như ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự: “Không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé”.

Theo Thông tin điện tử Hội An

Bạn có thể quan tâm