Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học tập như một nghệ thuật

Mỗi con người sinh ra đều có một bộ não “thông minh” như nhau. Nói theo Adam Khoo, mỗi người sinh ra đã là một thiên tài.

Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh kém không phải vì người ta bẩm sinh được thiên phú cho trí tuệ sáng lạn hơn người kia. Như vậy có nghĩa là, một người được cho là thông minh không phải vì người ta vốn dĩ sinh ra đã như vậy mà bí quyết nằm ở quá trình rèn luyện.

Bạn cần phải có cách học cụ thể và phù hợp với bản thân. Trước khi học một môn nào đó, bạn nên tìm hiểu về nó trước. Chúng ta sẽ không thể biết được khả năng của mình tới đâu nếu chúng ta không dám thử.

Chỉ cần để ý một chút, hiểu được cách tư duy trong môn học, cộng thêm chăm chỉ cần cù sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tiếp thu kiến thức.

Với các môn học, trước khi bắt đầu chúng ta nên tìm hiểu nó bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các anh chị khóa trên hay đọc đề cương trước. Tất nhiên, như vậy thôi là chưa đủ.

Việc chú ý nghe giảng trên lớp, ghi chép các ý chính hay thắc mắc với thầy cô những gì chưa hiểu cũng là điều rất quan trọng.

Sach Con nha nguoi ta anh 1

Hồi năm ba, tôi có tham gia làm tình nguyện viên cho một trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên. Nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ở Bản Rõm, Sóc Sơn. Để dễ quản lý, học sinh được chia ra làm các nhóm, tham gia vào các hoạt động, trò chơi. Tôi được giao nhiệm vụ làm “thủ lĩnh” một nhóm.

Sau chương trình ấy, nhiều học sinh của tôi nhận ra chia nhóm để làm việc sẽ có những mặt tích cực và tiêu cực riêng và có chia sẻ với tôi. Tôi cũng không ngần ngại tâm sự với các em kinh nghiệm làm việc nhóm ở lớp đại học của mình.

Khi làm việc nhóm, mỗi người phải đóng góp ý kiến, đưa ra những phương án hoạt động riêng, sau đó tìm được hướng đi tốt nhất, hiệu quả nhất làm hướng đi chung của cả nhóm. Mục đích của làm việc nhóm vốn dĩ là để gắn kết các thành viên, tìm ra những ý tưởng sáng tạo nhất, khả quan nhất để hoàn thiện vấn đề.

Càng đi làm, trải nghiệm nhiều, tôi càng góp nhặt được nhiều kinh nghiệm để rút ra những cách giải quyết vấn đề. Ở lớp học về mô hình của tôi, bản thiết kế được giao cho một nhóm học sinh tiểu học.

Nếu như theo lẽ thông thường thì tất cả sẽ “xâu xé” một tờ giấy. Để tránh tình trạng này, tôi yêu cầu cả nhóm bầu ra một người vẽ đẹp nhất, các bạn còn lại cùng đóng góp ý tưởng chi tiết.

Tôi cũng gia hạn cho các em sau năm phút không thống nhất thì sẽ thu lại màu và các em không được vẽ nữa để các bạn nhỏ có ý thức tự giác hơn. Ngoài ra, trẻ con thường có tính chiếm hữu cao, một mô hình đồ chơi nào đó được làm ra liền tranh nhau muốn đem về. Với những trường hợp như thế, tôi sẽ giữ lại mô hình ở lớp để trưng bày.

Tôi gọi nó là “kĩ năng cacbon”. Mỗi con người giống như một viên kim cương. Vì đẹp mà trở nên đắt giá, vì lấp lánh mà thu hút ánh nhìn. Nhưng chỉ có cacbon mới có thể cắt được kim cương.

Những vấp ngã, những trầy xước sẽ để lại những kinh nghiệm quý báu như cacbon vậy. Không một kỹ năng sống nào sinh ra vốn dĩ đã có cả. Nó được hình thành trong quá trình chúng ta rèn luyện. Trải qua những tổn thương để ngày càng chín chắn. Đi qua những khó khăn mới biết mình trưởng thành.

Nguyễn Thúy Quỳnh / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY