Sau đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động dần trở lại bình thường, trong đó, có cả việc đi học của học sinh các cấp. Song việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khi trở lại trường của học sinh đang có nhiều ý kiến trong dư luận.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5, Zing nêu câu hỏi này với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Vừa qua, nhiều địa phương đồng loạt cho học sinh đi học trở lại sau dịch. Nhưng việc các trường cho học sinh đeo khẩu trang, đội nón che giọt bắn, không bật điều hòa trong lớp học khi thời tiết đang rất nóng… khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em. Đặc biệt, một số bác sĩ khuyến cáo việc học sinh đội mũ có tấm chắn là không cần thiết, có thể khiến học sinh mỏi mắt, bị cận thị. Bộ Giáo dục đánh giá và tiếp thu thế nào về những ý kiến này?".
Việc học sinh phải nón chống giọt bắn trong suốt quá trình học ở trường là không cần thiết. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết theo báo cáo, đã có 3 đợt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là học sinh THPT và THCS, tỷ lệ học sinh đi học rất cao.
Ông Độ nhấn mạnh quan điểm của Bộ GD&ĐT là “đã đi học phải an toàn”, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn.
Ông cho biết trước khi học sinh trở lại trường, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục dựa vào khuyến cáo này xây dựng các tiêu chí đánh giá về nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí cứng như: giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay; khử khuẩn nhà trường…
“Nhưng không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương”, ông Độ nói. Bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo cho phù hợp.
Nói về việc học sinh phải đội nón chống giọt bắn trong suốt quá trình học ở trường, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc này là không cần thiết. Thậm chí, việc mang nón che giọt bắn trong thời gian dài rất khó chịu. Học sinh không sử dụng quen sẽ đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến mắt do trẻ thấy khó chịu nên dễ dùng tay để chạm vào mắt thường xuyên, đặc biệt là các em có đeo kính cận.
Bác sĩ Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn, chia sẻ lo ngại về chất lượng của miếng nhựa plastic của chiếc nón che giọt bắn. Miếng nhựa này vốn không hoàn toàn trong suốt nên việc đeo liên tục để làm việc, học tập, thị lực sẽ không đạt 100%.
Khi học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài, mắt có thể luôn trong tình trạng căng thẳng do phải điều tiết nhiều, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bộ phận này.
Ngoài ra, bác sĩ Châu cho biết miếng plastic này có chỗ thẳng, chỗ cong nên có thể làm biến dạng hình ảnh, gây nhiễu xạ, khúc xạ. Nguyên nhân là chúng không truyền ánh sáng tự nhiên theo đường thẳng. Điều này cũng làm cho mắt mỏi, mệt khi phải nhìn qua tấm chắn. “Nếu học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài có thể gây mỏi mắt, giảm thị lực và gây ra một số tật khúc xạ”, bác sĩ Châu khẳng định.