Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng khi một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Việt Nam tăng 0,4% so với tháng trước và 3,94% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhóm giáo dục ghi nhận mức tăng mạnh nhất, 5,84% so với tháng 8. Trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thực hiện tăng học phí.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, vào năm học mới, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9 so với tháng trước | |||||||||||
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||||||||
Nhãn | CPI | Giáo dục | Nhà ở và vật liệu xây dựng | Hàng ăn và dịch vụ ăn uống | May mặc, mũ nón, giầy dép | Thiết bị và đồ dùng gia đình | Thuốc và dịch vụ y tế | Văn hóa, giải trí và du lịch | Bưu chính viễn thông | Giao thông | |
% | 0.4 | 5.84 | 0.94 | 0.18 | 0.16 | 0.16 | 0.03 | 0.03 | -0.04 | -2.23 |
Học phí, nguyên liệu đầu vào tăng
Giá sách giáo khoa tăng 1,41%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,92%; bút viết tăng 0,9% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, nhóm giáo dục cũng tăng giá mạnh nhất với tốc độ 8,37%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm vào mức tăng CPI chung.
Trong quý III, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,13% so với quý trước và 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào. Trong quý III, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ năm trước | ||||||
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê | ||||||
Nhãn | Nhóm giáo dục | Nhóm giao thông | Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch | Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng | Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống | |
8.37 | 6.68 | 4.82 | 4.43 | 3.65 |
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,85%; dùng cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,72%; dùng cho xây dựng tăng 8,24%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nói chung tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,29%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,76%; dùng cho xây dựng tăng 8,96%.
Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ tăng 31,82% so với cùng kỳ năm trước; dầu, mỡ động, thực vật chế biến tăng 11,56%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 10,1%.
Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến dầu mỏ (nhựa đường, nhựa, dầu diesel, dầu nhớt) tăng 48,87% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước tăng 13,37%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 11,08%.
Giá nhập khẩu tăng mạnh
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong quý III, giá của các hàng hóa nhập khẩu tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhóm nhiên liệu tăng giá tới 37,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu xăng dầu leo vọt 47,65% theo giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,29%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 8,97%.
Giá nhập khẩu phân bón tăng 40,87% vì nguồn cung phân bón đang khan hiếm và chi phí vận chuyển tăng cao. Nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do Nga và Belarus chiếm gần 50% nguồn cung kali trên toàn thế giới.
Nguồn cung ure tại châu Âu khan hiếm khi nhiều nhà máy ngừng hoặc cắt giảm sản xuất do giá khí đốt tăng. Điều này khiến giá phân bón ure cũng tăng cao.
Mức tăng chỉ số giá xuất, nhập khẩu quý III so với cùng kỳ năm 2021 | |||||
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê | |||||
Nhãn | Chỉ số giá chung | Nhóm nhiên liệu | nông sản, thực phẩm | Nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo | |
Xuất khẩu | 8.85 | 70.12 | 8.98 | 6.96 | |
Nhập khẩu | 10.15 | 37.49 | 10.29 | 8.97 |
Giá nhập khẩu sắt, thép tăng 32,3% do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu cho sản xuất, xây dựng tăng cao. Thêm vào đó, việc Trung Quốc áp đặt biện pháp kiểm soát sản lượng nghiêm ngặt, giảm dần sản lượng xuất khẩu và chiến lược Zero-Covid khiến nguồn cung sắt, thép toàn cầu sụt giảm.
Giá nhập khẩu lúa mỳ tăng 28,67% do giá mặt hàng này ở Canada và Australia tăng cao. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm nguồn cung giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát dù lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - cho rằng Chính phủ đã chủ động ứng phó với lạm phát thông qua các chính sách, giải pháp giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng tới vẫn còn hiện hữu. "Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt", Tổng cục Thống kê cảnh báo.