Tháng 9/2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình hạ cánh xuống Seattle để bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên, trước cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn lớn như Microsoft và Boeing và sau đó là chuyến thăm Nhà Trắng, ông Tập đã có bài phát biểu về quan hệ 2 nước.
Giữa hàng loạt trích dẫn văn hóa đại chúng - từ bộ phim Không ngủ ở Seattle (1193) và series truyền hình Sóng gió Chính trường đến đại văn hào người Mỹ Ernest Hemingway, người ta dễ bỏ qua việc ông Tập có đề cập đến Thucydides, sử gia người Hy Lạp đã sống trước Hemingway tận 2.500 năm.
Bẫy Thucydides, định mệnh có thể tránh?
"Chúng ta chỉ nên phán xét dựa vào sự thật, hoặc chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của những lời đồn đại, sự hoang tưởng và định kiến do chính mình áp đặt".
"Không có gì gọi là Bẫy Thucydides trên đời này cả. Thế nhưng nếu các quốc gia lớn lặp lại các sai lầm trong tính toán chiến lược, họ có thể tự tạo nên cái bẫy của chính mình", chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đất Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện trong chuyến thăm Mỹ tháng 9/2015. Ảnh: Reuters. |
"Bẫy Thucydides" là thuật ngữ do Graham Allison, giáo sư ngành khoa học chính trị của Trường Chính sách John F Kennedy thuộc Đại học Harvard, tạo nên và dùng nó để mở rộng thành một lý thuyết về sự cạnh tranh của 2 cường quốc Mỹ - Trung.
“Bẫy Thucydides” ám chỉ những nguy hiểm có thể leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và mới nổi.
Trên thực tế, việc một nhà nghiên cứu như Allison có một thuật ngữ phải khiến Chủ tịch Tập để tâm bác bỏ là không bất ngờ. Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần nửa thế kỷ, Allison đã tham vấn cho các Tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton và nhiều đời giám đốc CIA. Ông cũng từng tư vấn cho nhiều công ty dầu và ngân hàng ở Phố Walls, tham gia Hội đồng Tư vấn Chính sách Quốc phòng cho bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và nắm các thông tin đặc biệt về Liên Xô.
Giáo sư Graham Allison. Ảnh: OCCRP
. |
Dù vậy, chuyên môn chủ yếu của Giáo sư Allison là học thuật. Ngoài một thời gian ngắn làm việc tại Đại học Oxford (Anh) và Đại học Davidson (Mỹ), phần lớn sự nghiệp của Allison được xây dựng tại Harvard.
Trong cuốn sách Destined for War (tạm dịch: Định mệnh Chiến tranh) vừa ra mắt hồi tháng 5, Allison dự đoán rằng "theo quỹ đạo hiện tại, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là có khả năng mà nguy cơ của nó còn lớn hơn những gì đang được nhận biết".
Đó là điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã kịch liệt bác bỏ.
Trong cuốn sách mới của mình, giáo sư người Mỹ cũng dẫn lại cuộc trò chuyện của ông và Lý, vốn được ghi lại vào sách Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World (tạm dịch: Lý Quang Diệu: Các nhìn của vị bậc thầy về Trung Quốc, Mỹ và Thế giới - xuất bản năm 2013).
South China Morning Post nhận định ngoài Allison, người từng dành nhiều tâm huyết nhất để suy nghĩ về Trung Quốc có lẽ là cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Bản thân giáo sư người Mỹ cũng cho rằng Lý là người thích hợp nhất để giải mã Trung Quốc cho công chúng Mỹ.
"Khi câu hỏi được đặt ra là: Các lãnh đạo Trung Quốc có thật sự nghiêm túc về việc thay thế Mỹ để trở thành sức mạnh thống trị châu Á trong tương lai gần hay không? Phần lớn các chuyên gia Trung Quốc nói rằng 'việc đó thật phức tạp'. Câu trả lời của Lý là: 'Dĩ nhiên! Sao lại không chứ?'", ông Allison ghi lại.
Dù vậy, cố thủ tướng Singapore cố gắng thuyết phục học giả Mỹ rằng Trung Quốc không muốn xâm phạm quyền lực của nước khác.
Bìa cuốn sách Định mệnh Chiến tranh: Trung Quốc và Mỹ có thể thoát khỏi bẫy Thucydides không?. Ảnh: South China Morning Post. |
"Ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận vị trí của họ trong một trật tự thế giới do người Mỹ định hình, như cách Đức và Nhật đã làm, theo ông Lý là một ảo tưởng. Trung Quốc muốn được nhìn nhận là Trung Quốc, không phải một thành viên danh dự của phương Tây".
Allison nói rằng ông chưa gặp bất cứ cá nhân nào ở Washington nghĩ rằng chiến tranh là ý tưởng. Dù vậy, nguy cơ tiềm tàng trong Bẫy Thucydides là quyết tâm chiến tranh thường bị đánh giá quá thấp và xung đột sẽ nổ ra từ những nơi khó ngờ nhất. Ông dẫn chứng ra Thế chiến thứ 1, khi "lửa được châm" từ vùng Balkan.
"Hiện tại, điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới là (bán đảo) Triều Tiên. Con đường mà Mỹ và Trung Quốc rất dễ sa vào là cuộc chiến sẽ điên loạn mà không ai muốn, sau đó thì cả 2 đều hối hận", giáo sư người Mỹ nhận xét.
"Như một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói với tôi 2 tuần trước ở Bắc Kinh, sẽ không có vấn đề gì trên bán đảo Triều Tiên nếu (Mỹ) không ở đó. Đó là đất nước ở biên giới chúng tôi. Các anh làm gì ở đó vậy", ông Allison thuật lại lời quan chức trên.
"Hàn Quốc đối với người Mỹ và đối với tôi là câu chuyện thành công vĩ đại", Giáo sư Allison cho biết.
"Chúng tôi xem đó là biểu tượng cho trật tự châu Á do nước Mỹ lập nên. Nhưng tôi cũng có thể hiểu vì sao từ góc độ Trung Quốc, việc này giống như một đồng minh quân sự của Mỹ đang ở rất gần".
Kịch bản xấu nhất Allison đưa ra là Triều Tiên tấn công Seoul và làm chết nửa triệu người trong 24 giờ. Ông dẫn lại lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói trong buổi điều trần vào tháng 5 rằng đó sẽ là cuộc Chiến tranh Triều Tiên thứ hai và là cuộc chiến đẫm máu nhất mà những người trong thời đại chúng ta có thể chứng kiến. Mỹ hoàn toàn có thể tiêu diệt Triều Tiên, trừ khi Trung Quốc can dự vào. Câu hỏi ở đây là Trung Quốc có can dự không và xung đột ở bán đảo Triều Tiên sẽ leo thang tới đâu?
"Điểm nóng" nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, theo ông Allison, chính là Triều Tiên và một cuộc tấn công của Triều Tiền nhằm vào Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, có thể kéo Mỹ - Trung vào một cuộc xung đột. Ảnh: Reuters. |
"Chưa từng có điều gì như Trung Quốc"
Trong Định mệnh Chiến tranh, Giáo sư Allison cũng không giấu giếm sự ngưỡng mộ Trung Quốc.
"Trung Quốc là một đất nước thần kỳ. Tôi có một sự ngưỡng mộ lớn lao đối với điều rõ ràng là hiện tượng trong thời đại chúng ta. Trung Quốc đã đi từ chỗ không là gì đến trở thành đối thủ của Mỹ hoặc vượt mặt ở nhiều lĩnh vực. Thế giới chưa từng chứng kiến điều gì như thế này".
"Là một người Mỹ và hiểu rõ từ xương tủy anh ta rằng nước Mỹ phải là số 1, tôi cảm thấy sợ hãi", ông thừa nhận. Định mệnh Chiến tranh là một trong những nỗ lực của Allison để giải mã cảm giác đó.
"Tôi khổ sở tìm cách hiểu được mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Trong quá trình đó, tôi liên tục nhớ đến cách nhìn của Thucydidies và quyết định đào sâu vào đấy".
"Trường Kinh doanh Harvard có nhiều chương trình quản lý dành cho những người trên 30 tuổi đến từ các doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc. Đó là thứ mà đảng Cộng sản từ cố dẹp bỏ nhưng lại là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế trong lịch sử Trung Quốc", Giáo sư Allison nói khi bản thân ông vừa trở về sau bài giảng dành cho một lớp gồm các doanh nhân đến từ Trung Quốc.
Ông dành những lời khen tặng cho 50 sinh viên "đẩy triển vọng" của ông, những người "ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra (ở Trung Quốc) nhưng đang tràn đầy hăng hái". Allison cũng không quên đề cập đến lý thuyết của ông trong Định mệnh Chiến tranh.
"Chúng tôi đã (tập phát âm từ Thucydides) 5 lần trong lớp học để mọi người có thể về nhà và kể lại với người dân nước họ", ông nói với South China Morning Post.
Giáo sư Đại học Harvard không giấu sự ngưỡng mộ đối với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Thậm chí không thể đọc tiếng Hoa"
Dù Giáo sư Allison nói rằng Định mệnh Chiến tranh là để kích thích các cuộc tranh luận, nhiều học giả đã chỉ trích ông từ vốn hiểu biết về Trung Quốc đối với cách diễn giải Thucydides. Theo Giáo sư Arthur Waldron của Đại học Pennsylvania, Giáo sư Allison, cũng như người từng hướng dẫn ông là cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, đã xây dựng lên một Trung Quốc như cách hiểu của riêng họ.
"Gần đây ở Trung Quốc, một nhà nghiên cứu cao cấp đã nói với tôi, 'Arthur, chúng ta phải làm gì đây? Mọi người đều biết rằng hệ thống này không hoạt động tốt. Chúng ta phải làm gì để thay đổi mọi thứ mà không làm nó tệ đi? Chúng ta ở thế bí rồi'".
"Nếu Allison có thể gặp vị học giả trên, ông ta sẽ biết thêm rất nhiều thứ. Nhưng Allison không thể nói chuyện với người kia, không thể đọc tiếng Hoa, cũng không thể gặp ông ta", giáo sư của Đại học Pennsylvania cho biết.
Bản thân Allison cũng nói rằng ông không nắm bắt được tư duy người Trung Quốc.
"Tôi không phải là một học giả Trung Quốc. Tôi không đọc hay nói tiếng Quan Thoại. Trung Quốc chưa từng là chủ đề của tôi. Nhưng trong 10 năm qua nó đã là đề tài được nghiên cứu rất nghiêm túc", Giáo sư của Harvard thừa nhận.