"Lần đầu bước vào Sofitel Siem Reap, tôi cứ nghĩ rằng tại đại sảnh, ở vị trí thu hút tầm nhìn nhất sẽ là một bình hoa thật lớn. Thế nhưng hình ảnh hạt gạo dài hơn 2 m, vàng óng trên tấm pano trắng muốt có biểu tượng của Festival Lúa gạo Campuchia, dựa vào một trong những cây cột chính của khách sạn đã tạo sự chú ý khác biệt”.
Đó là những chia sẻ trên Blog của tác giả Uyển Vi, một du khách đã từng qua thăm Campuchia vào cuối năm 2013. Mặc dù buổi giới thiệu lúa gạo Campuchia, hay còn gọi là “Vàng trắng” tại đất nước này, đã kết thúc vài ngày, nhưng khách sạn vẫn để lại những tấm pano như một sự trân trọng hạt gạo và cũng là cách họ quảng bá về thương hiệu lúa gạo của nước mình.
Campuchia có tiềm năng về diện tích đất chưa canh tác lớn, thêm vào đó là nguồn lao động giá rẻ. |
Nếu 10 năm trước sản lượng gạo tự sản xuất không đủ ăn thì nay gạo đang là sản phẩm giúp người dân nước này xóa đói giảm nghèo. “Vàng trắng” còn là sản phẩm cốt lõi trong chiến lược phát triển nông nghiệp mà Campuchia hướng đến. Gạo Campuchia đang dần trở thành đối thủ với các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong đó dĩ nhiên có cả Việt Nam.
Gạo Campuchia và con đường xuất khẩu
Hai năm liên tiếp, gạo Lài của Campuchia đều giành được kỷ niệm chương cho giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Các nhà buôn gạo thế giới. Đây là giải thưởng mà Việt Nam chưa từng được nhận, dù là nước có sản lượng xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới. Thông tin này đã tạo sự bất ngờ bởi từ trước đến nay, gạo Campuchia chưa hề được nhắc đến trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Sản lượng gạo Campuchia sản xuất còn ít nhưng có đến 40% là gạo chất lượng cao. Chính phủ nước này cũng thường xuyên khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao để nâng cao vị thế cho gạo. Cho đến nay, Campuchia đã có 5 thị trường xuất khẩu chính là Ba Lan, Pháp, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Thậm chí gạo Campuchia còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Canada, Hàn Quốc…
Trong khi thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, vốn nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ quanh quẩn ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bờ biển Ngà và vài nước châu Phi với gạo chất lượng thấp.
Có thể nhận thấy, sản lượng xuất khẩu gạo Campuchia tăng khá nhanh. Trước đây, nước này đưa ra mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn vào năm 2015 nhưng theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính Campuchia sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2014 và 1,2 triệu tấn trong năm 2015.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định, sản lượng xuất khẩu gạo của Campuchia có chất lượng tốt và cách làm thương hiệu rất bài bản, đây điều gạo Việt Nam chưa làm được. Gạo Việt Nam xuất khẩu thường đóng những bao lớn, còn gạo Campuchia được đóng vào các bao nhỏ có thương hiệu nên vào được những siêu thị tại các nước đòi hỏi tiêu chuẩn cao, ông Trần Thanh Vân, thành viên Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Gentraco nhận xét.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Campuchia. |
Tại một hội chợ lúa gạo ở Thái Lan, khi gạo Việt Nam hoàn toàn vắng bóng thì Cục xúc tiến thương mại của Campuchia đã giúp đỡ để 8 công ty xuất khẩu gạo tham dự hội chợ này. Thái Lan vốn đứng đầu thế giới về chất lượng gạo cao cấp nhưng Campuchia vẫn cố gắng tấn công vào thị trường này.
“Gạo Campuchia được thế giới chú ý thông qua hội chợ đó và tôi thấy rõ ràng khách hàng đến rất đông để ký hợp đồng. Campuchia hiện nay đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt” - giáo sư Xuân đánh giá.
Còn theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, trong tương lai Campuchia sẽ có lợi thế trồng lúa hơn Việt Nam do đất tốt, chưa bị ảnh hưởng nhiều từ hóa chất.
Không chỉ thua vì lúa gạo
Năm 2012, theo thông tin Ngân hàng Thế giới, trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam 5,2% thì Campuchia tăng trưởng 7,3%. Trong một buổi nói chuyện về kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Alan Phan cũng nhận xét, tương lai thu nhập bình quân đầu người của Campuchia và thậm chí cả Lào cao hơn Việt Nam. Như vậy, nếu Việt Nam không thay đổi chiến lược thì sẽ để mất vị thế vào tay Campuchia và Lào trong thời gian ngắn nữa.
Về thu hút đầu tư, kết quả khảo sát một nhóm doanh nghiệp mới nhất từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2013, có đến 54% doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc việc đầu tư vào các nước khác, đặc biệt là Campuchia và Lào. Trước đó, năm 2011 và 2012, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 32%. Có thể thấy các doanh nghiệp FDI ngày càng cân nhắc nhiều hơn khi lựa chọn đầu tư giữa Việt Nam và 2 nước láng giềng.
Campuchia có tiềm năng về diện tích đất chưa canh tác lớn, thêm vào đó có nguồn lao động giá rẻ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã ồ ạt sang Campuchia đầu tư ngành nông nghiệp, như trồng cao su, rau quả, ca cao… Điển hình Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với diện tích 5.000 ha ngô tại Campuchia đã đem về cho công ty này doanh thu 160 triệu/ha trong năm 2013. Thậm chí Hoàng Anh Gia Lai có dự án tăng lên diện tích 8.000 ha vào năm 2014.
Câu chuyện chiếc ô tô Angkor EV 2014 điều khiển bằng điện thoại thông minh do người địa phương Campuchia sáng chế vẫn còn để lại ấn tượng cho nhiều người Việt Nam. Trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được nhà nước ưu tiên phát triển nhưng cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ vì không phát triển được công nghiệp phụ trợ thì Campuchia đã có thể tự sáng chế chiếc xe theo công nghệ hiện đại với giá bán 5.000 USD.