Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Gã khùng' đánh thức ruộng hoang

Trong khi nhiều nông dân chán ruộng và bỏ ruộng, anh Cao Văn Lâm ( xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, Hải Dương) vẫn “đâm đầu” vào ruộng đầy say mê, hứng khởi.

“Làm ruộng mà cứ bị bảo là… dở”

Sinh năm 1977 trên vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã lụt Thanh Miện, chàng thanh niên Cao Văn Lâm vốn ôm ấp nhiều giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cảnh... làm ruộng. Lang bạt mãi và làm đủ nghề rồi cũng không đến đâu, anh đã chọn con đường riêng là trở về quê để… đi cấy.

Khi tới nhà tìm gặp anh Lâm, chúng tôi được bố anh là ông Cao Văn Lầm bảo: “Lâm nó đang cấy ngoài đồng. Trưa ăn cơm cùng công nhân ngoài đó rồi cấy luôn. Từ khi vào mùa, hôm nào nó cũng ra khỏi nhà lúc tờ mờ sáng và tối mịt mới về. Đến cả tôi nhiều hôm cả ngày còn chẳng nhìn thấy mặt nó!”.

“Vua” lúa miền Bắc Cao Văn Lâm đang kiểm tra mạ. Theo anh Lâm, mạ phải dài 18 - 20cm, rễ dày mới đạt tiêu chuẩn.
“Vua” lúa miền Bắc Cao Văn Lâm đang kiểm tra mạ. Theo anh Lâm, mạ phải dài 18 - 20cm, rễ dày mới đạt tiêu chuẩn.

Năm 2013, khi “phong trào” nông dân bỏ ruộng xuất hiện khắp các tỉnh miền Bắc, trong đó huyện Thanh Miện được coi là điển hình, nên việc anh Lâm đi gom ruộng để cấy đã trở thành chuyện lạ đối với những người dân ở đây. Cũng vì điều lạ ấy, chúng tôi đi ra đồng để gặp và xem anh Lâm đang làm ruộng thế nào.

Khi chúng tôi đến, anh vẫn đang lúi húi dưới ruộng với đôi chân lấm lem bùn đất, quần ống thấp ống cao, áo vương bùn, dầu mỡ. Biết có người ra gặp, anh nói vọng lên: “Sáng nay, anh em đang cấy thì một máy bị hỏng, loay hoay sửa mãi nó mới chịu cấy tiếp”. Thì ra ruộng của Lâm cấy bằng máy hết, thế mà lúc đầu tôi cứ tưởng anh và công nhân cấy bằng tay thì bao giờ cho xong hơn 80 mẫu ruộng của mình.

Dừng công việc, anh Lâm lên bờ mời chúng tôi uống nước ngay đầu ruộng. Lâm kể: Thực tế thì anh cũng đã có thời gian “thoát ly” quê nhà, đi làm việc ở công ty Than Đông Bắc (Quảng Ninh). Tới năm 2009, anh lập gia đình và vì không muốn vợ chồng mỗi người một nơi, năm 2010 anh quyết định xin nghỉ việc. Trở về quê, anh dồn hết vốn liếng hơn 10 năm tha hương mở cây xăng dầu.

Năm 2012, nông dân đã bắt đầu lác đác bỏ ruộng, rồi kéo nhau lên thành phố làm thuê. Cũng vì lẽ đó, nên vào mùa cấy, gặt rất khó thuê người làm, khiến việc cấy lúa vốn chi phí đã cao nay lại càng cao hơn. Là một người làm kinh doanh, anh Lâm đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội và quyết định đầu tư một máy gặt 300 triệu đồng để làm dịch vụ.

“Vụ đầu tiên tôi thu về 230 triệu đồng, trừ chi phí lãi 170 triệu đồng. Khi đi gặt tôi mới biết, nhiều xã lân cận nông dân bỏ ruộng rất nhiều và một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi rằng: Nếu biết sử dụng đất hợp lý, làm nông nghiệp cũng ra tiền đấy chứ. Và sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã quyết đi thu gom ruộng đất”, anh Lâm vừa kể, vừa giải thích. Nhân lúc trong thôn, nhiều hộ gia đình trả lại 11 mẫu ruộng, anh viết đơn xin nhận thầu lại. Lãnh đạo xã đang lúc chưa biết phải xử lý thế nào với số diện tích này, nay bỗng có người xin nhận, đã đồng ý ngay. Anh Lâm kể lại: “Cầm đơn trên tay, nhưng ông Chủ tịch UBND xã vẫn còn hoài nghi và đe: Anh đã nhận mà không cấy, lại bỏ ruộng hoang là chúng tôi phạt nặng đấy!”.

Có bản hợp đồng thầu ruộng 5 năm trong tay, để kịp thời vụ, ngay hôm sau anh Lâm quyết đầu tư một máy cày công suất lớn và một máy cấy. Hôm chiếc máy cày ra đồng, lật những tảng đất đầu tiên, anh nhận được không ít lời xì xào, ánh mắt dè bỉu của người trong thôn, trong xã: “Thằng này dở thật rồi. Ai đời nào lại đâm đầu vào mớ bòng bong, ăn lại thứ người ta bỏ đi”. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, Lâm vẫn cho máy chạy liên tục. Hơn tuần sau, những vùng đất cỏ mọc um tùm đã được phủ lên màu xanh của mạ non. Cuối vụ, anh thu về hơn 10 tấn lúa thịt, và 3 tấn lúa nếp thơm, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng.

80 mẫu ruộng và hơn thế nữa

Được ăn ngay trong vụ đầu, vụ sau anh thầu thêm 30 mẫu ruộng mà người dân bỏ hoang. Để tránh diện tích “xôi đỗ”, anh vận động xin thầu lại ruộng những hộ xung quanh, hoặc đổi cho họ ruộng tốt ở chỗ khác, rồi mua thêm một máy cày công suất lớn trị giá gần 600 triệu đồng và một máy cấy. Tùy theo từng cấp bậc ruộng cao, thấp mà anh lựa phân ra thành từng thửa khác nhau, có thửa rộng tới 10 mẫu, thửa nhỏ cũng 2 – 3 mẫu, nên rất tiện cho canh tác.

Về phương pháp gieo cấy, anh Lâm chọn làm mạ khay để cấy máy, chứ không gieo sạ như miền Nam. Theo anh Lâm, sạ tiết kiệm công, chi phí nhưng với điều kiện thời tiết ở miền Bắc thì sạ rủi ro rất cao do mưa, úng ngập… Hơn nữa gieo sạ cây lúa rất yếu, dễ nhiễm sâu bệnh. Còn cấy khay giúp cây lúa khỏe, cứng ít bị đổ, kháng được nhiều loại sâu bệnh, do mật độ thích hợp và cây đẻ nhánh rất khỏe, tiết kiệm được hạt giống.

Anh Lâm chia sẻ: “Để làm mạ khay tốt nhất là phải lựa chọn được những chân đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, rồi trộn thêm phân bón tổng hợp NPK vừa đủ. Cái khó của làm mạ khay là khi gieo mầm phải có độ dài vừa đủ, dài quá gieo sẽ không đều, ngắn quá hạt dễ bị thối, và điều quan trọng nhất là phải chăm sóc sao cho cây mạ phát triển đồng đều trong khay, lỗ chỗ hay rễ ra ít cũng không cấy được, vì khi lật ra khay mạ sẽ bị gãy”.

Quay trở lại với câu chuyện nông dân bỏ ruộng, anh Lâm cho rằng, nguyên nhân chính là do chi phí lớn, làm không có lãi. Để làm lúa có lãi, trước tiên phải có diện tích ruộng lớn, từ đó áp dụng các biện pháp cơ giới hóa vào sản xuất, mới mong tiết kiệm được chi phí và giảm công lao động. Với giá cày bừa 120.000 đồng/sào, cấy 250.000 đồng/sào, gặt 120.000 đồng/sào, tính ra 40 mẫu ruộng của anh nếu phải thuê làm tốn khoảng 300 triệu đồng. Trong khi đó, một máy cấy có giá 80 triệu đồng, nhưng công suất cấy có thể bằng 40 người, như vậy đã đỡ được rất nhiều chi phí thuê nhân công. Theo anh Lâm, vấn đề mấu chốt ở đây là người dân vẫn chưa làm được mạ khay dùng cho máy cấy, đó chính là hạn chế lớn trong việc áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất hiện nay.

Dẫn tôi ra cánh đồng, trên thửa ruộng gần 10 mẫu, 2 chiếc máy cấy đang miệt mài làm việc, anh Lâm bảo: Những vụ trước, mình thường cấy trước, rồi mới đi cấy thuê cho người dân, trung bình mỗi vụ cấy được khoảng 100 mẫu, gặt 200 mẫu, thu về khoảng 300 triệu đồng. Nhưng vụ này người dân cấy sớm, hơn nữa mình vừa thầu thêm 40 mẫu ruộng người dân bỏ ở xã Thúc Kháng (Bình Giang), nâng tổng diện tích lên 80 mẫu nên mình lùi lại cấy sau... Với diện tích này, anh dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tấn thóc và 20 tấn lúa nếp, doanh thu khoảng 1,2 -1,3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng.

Anh Lâm cho biết, sau khi quyết định làm bạn với đồng ruộng, anh đã ký được hợp đồng trồng lúa giống cho một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư, vì thế đầu ra rất ổn định, hơn nữa công ty mua lúa tươi với giá cao hơn khoảng 20% so với giá thị trường mà lại không phải làm xưởng sấy, kho chứa lúa, đây chính là điểm thuận lợi.

Song theo anh Lâm, việc liên kết với các công ty giống cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bởi mặc dù có hợp đồng, nhưng nếu công ty không bán được giống thì họ sẽ không mua lúa, hoặc mua với giá thấp và đặc biệt là “găm” tiền lâu. “Về lâu dài, tôi sẽ chuyển sang tự làm lúa giống với thương hiệu cho riêng mình. Trước mắt tôi vẫn liên kết trồng lúa cho các công ty giống, đồng thời sản xuất lúa gạo sạch, chất lượng cao, khi có thương hiệu thì việc chuyển sang làm lúa giống cũng dễ dàng hơn” - anh Lâm tiết lộ.

Từ việc anh Lâm đầu tư máy móc, sản xuất mạ khay để cấy dịch vụ cho người dân, đã kéo nhiều hộ trước đây bỏ ruộng quay về với đồng ruộng. Anh Lâm bày tỏ: “Nếu Nhà nước hỗ trợ mặt bằng để tôi sản xuất mạ khay, rồi bán lại với giá phải chăng cho người dân, chắc chắn việc bỏ ruộng sẽ giảm đáng kể”.

http://danviet.vn/nha-nong/ga-khung-danh-thuc-ruong-hoang-468900.html

Theo Tùng Sơn/ Dân Việt

Bạn có thể quan tâm