Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học cách nghe để định vị thế giới

Thế giới sẽ được định vị một cách dễ dàng nếu chúng ta không quên rằng con người sống với cảm xúc, bị cảm xúc điểu khiển và chi phối.

Ở ngoài đời, khi nghe, thi thoảng chúng ta sẽ thấy bản thân mình đáp lại người nói một cách mơ hồ, thiếu lô-gic hoặc nhìn như thấu hiểu nhưng thực chất lại không. Hay có khi, vừa nghe vừa nhìn xung quanh mà không nhìn vào người nói? Hay vừa nghe vừa gõ bàn, rung chân, bấm bút, di chuyển người từ bên này sang bên kia.

Một phần trong công việc của tôi là “nghe sinh viên nói”. Mỗi học kỳ, tôi phụ trách một số lượng sinh viên nhất định, gặp gỡ theo lịch hoặc theo nhu cầu sinh viên khi có vấn đề gì ngoài vấn đề học thuật.

Khi tôi hỏi, “bạn thường nói chuyện với ai?” thì các bạn sinh viên sẽ nhanh chóng kể ra tên vài người. Nhưng có lần tôi đổi cách hỏi, “ai thường nghe những gì bạn nói”, đa phần các bạn sinh viên lưỡng lự một lúc, rồi mới trả lời. Và số lượng người thực sự “lắng” thì rất ít ỏi.

Nghe anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Zen Chung/Pexels.

Sau những lần “nghe” này, điều quan trọng tôi học được là “mọi người sẽ thực sự nói, khi chúng ta thực sự nghe”. Và chúng ta sẽ biết mình là người nghe thành công, nếu sau khi nghe, chúng ta đáp lại và người nói nhìn thẳng vào chúng ta và nói “đúng như thế!”.

Người nói muốn được người nghe hiểu, không chỉ hiểu cặn kẽ họ nói gì, mà quan trọng hơn, tại sao họ lại nói điều này cho bạn? hay điều này có ý nghĩa gì với họ?

Khi một người bạn chia sẻ với chúng ta những tin ảm đạm, ví dụ như họ bị mất việc làm, ly hôn, thi trượt..., thay vì những câu động viên mơ hồ “không sao đâu, vài bữa lại tìm được việc khác, tái hôn, thi đỗ...”, hay “tôi cũng đã từng như thế”, hay “tôi biết anh B chị C cũng...”; nếu người nghe đáp lại “Giờ anh sẽ định làm gì? Anh sẽ nói với người thân của mình như thế nào? Theo anh họ sẽ phản ứng rao sao?”, người nói sẽ cảm thấy được lắng nghe và suy nghĩ đến bước tiếp theo.

Vì điều quan trọng ở đây không phải là nội dung của tin này mà tin này ảnh hưởng đến người nói như thế nào. Có nhiều kiểu người nghe trong các hình huống hội thoại hằng ngày, nhưng có 2 kiểu nghe, khiến người nói muốn nói tiếp hoặc dừng lại:

Kiểu triển khai câu chuyện hay chủ đề của người đối thoại (nghe đáp lại, hoặc nhận xét, hoặc đặt câu hỏi liên quan đến câu chuyện, nhằm cho người nói nói tiếp).

Kiểu thay đổi câu chuyện hay chủ đề của người đối thoại (nghe đáp lại, hoặc nhận xét, hỏi lái hay thay đổi câu chuyện hay chủ đề, nhằm thể hiện sự thông thái của người nghe nhưng khiến người nói không nói hết được câu chuyện ban đầu).

Ví dụ

  • - Hải nói: Hôm qua tôi xem kênh thế giới động vật về rùa.
  • - Hà đáp lại: Ôi, tôi không thích xem thể loại thế giới động vật. Tôi thích xem phim hình sự (đổi chủ đề)

Cùng hội thoại trên, nhưng Hà đáp lại nhằm cho Hải nói tiếp

    • - Hải nói: Hôm qua tôi xem kênh thế giới động vật về rùa.
    • - Hà đáp lại: Tôi không biết gì nhiều về rùa cả. Thế có gì hay về rùa? (triển khai chủ đề)

Thế nên, khi nghe người khác nói, chúng ta có thể khiến họ cảm thấy họ là người thông minh nhất nếu chúng ta biết cách đáp lại và cho người nói cơ hội nói tiếp và nói nhiều hơn về những gì họ biết; hoặc ta là người thông minh nhất nếu ta liên tục giành lấy cơ hội để nói và lái câu chuyện vào kinh nghiệm và cảm xúc của chúng ta.

Thường thì, mọi người có nhu cầu nói và bày tỏ, để được nghe và thông cảm, chứ ít khi tìm lời khuyên. Khi đối mặt với vấn đề nào đó, mỗi người đã có hướng và cách giải quyết của riêng mình, việc nói ra cho người khác, đa phần để giải tỏa cảm xúc.

Thế giới sẽ được định vị một cách dễ dàng nếu chúng ta không quên rằng con người sống với cảm xúc và bị cảm xúc điểu khiển và chi phối. Nên với những cảm xúc khác nhau chúng ta sẽ phản ứng khác nhau.

Khi có người cởi mở câu chuyện có ý nghĩa đối với tình cảm và cuộc sống của họ, chúng ta nửa nghe, nửa không nghe, không khác gì đứng đó, hai tay kẹp nách, đầu lắc sang trái rồi sang phải. Chắc là vì thế nên chúng ta có câu “thà nói với bức tường”.

Khi được lắng nghe, chúng ta sẽ thấy yên tâm về mặt tâm lý. Ví dụ, người theo Hồi giáo tin là thánh Allah là người lắng nghe họ suốt đời. Hay người Việt ta, với truyền thống thờ tổ tiên và những thành viên gia đình đã mất, rất nhiều người cũng có niềm tin về việc được Tổ Tiên lắng nghe.

Kiều Hiếu/NXB Trẻ

SÁCH HAY