Tại tất cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc và 3 cửa khẩu phụ, lối mở đã được thực hiện xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo đúng quy trình phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Y Tế.
Tại những nơi có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, UBND các tỉnh đã sớm thiết lập quy trình "vùng đệm", theo đó sử dụng địa điểm thuộc khu vực cửa khẩu để làm khu vực cách ly.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn còn khá hạn chế, nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả 2 nước vẫn còn thiếu.
Hàng hóa được làm thủ tục thông quan nhập khẩu nhưng tiến độ chậm hơn nhiều so với trước đây do phải thực hiện nghiêm các bước phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hoạt động thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đã và đang dần khôi phục. Ảnh: Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, bắt đầu đã dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Tính đến hết ngày 19/3, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.141 xe, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn là 1.068 xe, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít.
Trước tình hình này, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh thành và các cơ quan chức năng có liên quan để đưa ra một số khuyến nghị.
Thứ nhất, chủ động theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu để có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi.
Thứ hai là phối hợp thực hiện đúng và đủ hướng dẫn của Bộ Y Tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thư ba là xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo nguyên tắc chính ngạch, kê khai rõ nguồn gốc cũng như các yêu cầu liên quan, đáp ứng tiêu chuẩn và quy định đã thỏa thuận nhằm tận dụng thời điểm thị trường nước bạn đã phục hồi sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp logistic, đặc biệt là doanh nghiệp có kho lạnh hỗ trợ nhóm nông, thủy sản và trái cây trong việc bảo quản, cắt giảm chi phí kho bãi, vận chuyển.
Đối với tuyến phía Tây và phía Tây Nam, trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả Việt Nam, Lào và Campuchia đã bắt áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại cửa khẩu biên giới đất liền, hạn chế và thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới.
Từ đây, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu ở các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.
Hiện Bộ Công Thương đã đề nghị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp để Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xây dựng quy trình về kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện vận tải tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng trên toàn quốc, đảm bảo yêu cầu của phòng chống dịch bệnh nhưng không gây ảnh hưởng quá mức cần thiết đến lưu thông hàng hóa qua biên giới.