Cuối tháng 12, vụ lùm xùm trong hoạt động kinh doanh của vợ chồng diễn viên Trương Đình - Lâm Thoại Dương là chủ đề nhận được sự quan tâm từ công chúng. Vài năm trở lại đây, việc làm ăn của họ lộ rõ nhiều dấu hiệu bất thường, cho thấy đây không phải là kênh đầu tư đáng tin cậy.
Đến tháng 6/2021, nhiều nạn nhân lên tiếng tố cáo công ty của vợ chồng Trương Đình bán hàng kém chất lượng, có hoạt động kinh doanh lừa đảo. Vì vậy, Đội chống hàng giả Lý Húc quyết định báo cáo sự việc để Cục Quản lý Giám sát thị trường thành phố Thạch Gia Trang điều tra xử lý. Hệ quả Trương Đình - Lâm Thoại Dương bị phong tỏa khối tài sản gần 100 triệu USD.
Đánh vào tâm lý muốn đổi đời nhanh
Trên iFeng, đại diện cũ của Trương Đình và nạn nhân Tôn Kỳ vén màn sự thật về hoạt động kinh doanh của vợ chồng người đẹp Võ Mị Nương truyền kỳ. Quản lý cũ cho biết thời điểm chập chững thành lập công ty Trương Đình làm ăn hợp pháp, chủ yếu phân phối các mặt hàng như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Tuy nhiên, nữ diễn viên dần biến công ty của mình thành sàn đa cấp.
Trương Đình - người được xem là "Chị đại của làng thương mại điện tử" - như một tấm bình phong cho hoạt động kêu gọi vốn từ nhà đầu tư, với lời hứa hẹn chia hoa hồng hậu hĩnh, thưởng Tết 10 tháng lương cho nhân viên. Ngoài ra, cô còn cài cắm thông điệp quảng cáo đa cấp bằng việc lợi dụng sự hợp tác với 40 người nổi tiếng nhằm tạo uy tín trên thị trường.
Mô hình kinh doanh đa cấp của vợ chồng Trương Đình - Lâm Thoại Dương bị lên án. Ảnh: Sina. |
"Các nhà đầu tư làm giàu cho vợ chồng Trương Đình - Lâm Thoại Dương những năm qua. Đế chế của nữ diễn viên tạo ra vẻ ngoài hào nhoáng, kinh doanh có lãi, nhưng thực chất số tiền này đều đến từ túi tiền của những người có mặt trong mô hình kim tự tháp", người đại diện nói.
Đại lý Tôn Kỳ cho biết cô tham gia vào công ty mỹ phẩm TST của Trương Đình và Lâm Thoại Dương qua lời giới thiệu của bạn bè. Người bạn này cho biết không cần bỏ vốn, cô vẫn có thể kiếm được hàng nghìn NDT mỗi năm.
Tin vào lời mời mọc của công ty vợ chồng Trương Đình, cô gia nhập TST. Theo Tôn Kỳ, doanh nghiệp của nữ nghệ sĩ hô hào khẩu hiệu ba 0 là "Không đầu tư - Không trữ hàng - Không rủi ro", nhưng lại yêu cầu người mới như cô bỏ ra 31.000 USD mua sản phẩm mới được gia nhập mạng lưới.
Theo Tôn Kỳ, nếu muốn ăn lãi ngay lập tức, người đầu tư có thể chi 47.000 USD để nâng cấp từ đại lý lên chủ tịch, xây dựng đội ngũ bán hàng riêng cho mình. Họ phải bán đủ 40.000 USD/tháng. Nếu không đạt doanh số đề ra, đại lý sẽ không được hưởng hoa hồng. Do đó, Tôn Kỳ phải lôi kéo thêm những người khác tham gia bán hàng để đạt đủ doanh số và nhận lãi.
Để mở rộng quy mô, vợ chồng Trương Đình khuyến khích đại lý kêu gọi thêm gia đình, bạn bè tham gia để thành lập công ty liên doanh. Nếu doanh số tháng vượt mốc 141.000 USD, họ được thưởng thêm 15.000 USD. "Chân rết càng nhiều, bán càng nhiều, chúng tôi sẽ nhận được mức hoa hồng hậu hĩnh. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng cơ bản không ai có thể làm được, ngược lại còn gánh lỗ", Tôn Kỳ nói.
"Để chiêu mộ đại lý cấp dưới, tôi phải giảm lượng mua hàng cho họ nếu không họ sẽ tìm đến người khác. Nhưng số lượng hàng tôi mua ở công ty vẫn không đổi. Tôi là đang dùng tiền của mình để ứng trước lượng hàng hóa. Tình trạng xoay vòng như vậy cứ diễn ra. Nếu không tìm được đại lý cấp thấp hơn, chúng tôi chỉ có thể ôm hàng mà không nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào", Tôn Kỳ chia sẻ sau khi phát hiện bản thân mình rơi vào bẫy đầu tư của ngôi sao Trộm long tráo phụng.
Theo đại diện cũ, sản phẩm công ty vợ chồng Trương Đình bán ra thị trường có vấn đề rất lớn về chất lượng. "Họ nhập loại mặt nạ chỉ 0,31 USD, nhưng lại niêm yết giá đến 15 USD khi bán trên sóng livestream, đồng thời thổi phồng công năng của nó. Làm ăn gian dối, lừa gạt nhà đầu tư là cách Trương Đình - Lâm Thoại Dương giàu lên nhanh chóng", người đại diện nói.
Phóng đại lợi nhuận
Sau Trương Đình - Lâm Thoại Dương, nam ca sĩ Trương Tín Triết bị phát hiện nhận lời quảng bá cho website cá cược game đa cấp. Theo Sina, trò chơi này được quảng cáo là thú vui cho người chơi "vừa giải trí lại vừa có tiền". Những người tham gia được yêu cầu nạp 15 USD vào game để hoàn thành nhiệm vụ lấy lãi.
Theo tìm hiểu của Sina, website cá cược qua game thu hút hàng nghìn người chơi bỏ tiền đầu tư, nhưng không mang lại lợi nhuận. Ngược lại, nó còn khiến người dùng bị nghiện và liên tục nạp tiền. Theo 163, công ty của Trương Tín Triết có góp vốn vào website cá cược này.
Hoạt động kinh doanh của nghệ sĩ có nhiều điểm đáng ngờ. Ảnh: Sohu. |
Tháng 11/2021, hàng chục nhà đầu tư kéo đến cửa hàng lẩu Hỏa Phụng Tường tại Ninh Ba, Chiết Giang, giăng biểu ngữ, tố cáo nam diễn viên Trịnh Khải lừa bịp, bán tháo cổ phiếu, không trả lại tiền cho nhà đầu tư. Vụ việc xảy ra sau khi Hỏa Phụng Tường vướng loạt tai tiếng trong kinh doanh như đạo nhái biển hiệu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo iFeng, hai năm trở lại đây, hàng chục người nổi tiếng ở showbiz tấn công vào lĩnh vực F&B. Trong đó, kinh doanh nhà hàng lẩu là lựa chọn của nhiều nghệ sĩ như Trần Hách, Angelababy, Đặng Luân, Sa Dật, Lý Băng Băng, Huỳnh Lỗi, Mạnh Phi... Sau khi mở cửa hàng đầu tiên, họ bắt đầu kêu gọi nhượng quyền thương hiệu với lời hứa hẹn sẽ hoàn vốn sau 14 tháng, lợi nhuận thu về là 60%.
Nam diễn viên Trần Hách kiếm được hơn 55.000 USD nhờ vào việc nhượng quyền thương hiệu cho 680 cửa hàng lẩu. Đó là khoản lợi nhuận chưa tính cả tiền đặt cọc 7.800 USD/cửa hàng và 20% phí quản lý. Trong khi đó, để mở cửa hàng lẩu Hỏa Phụng Tường, và sử dụng hình ảnh quảng cáo là Trịnh Khải, nhà đầu tư phải bỏ ra 225.000 USD.
Theo chuyên gia kinh tế Vương An, Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân, tỷ suất lợi nhuận được các ngôi sao hứa hẹn với nhà đầu tư lên đến 60% hay hoàn vốn sau 14 tháng là viển vông. Haidilao - chuỗi nhà hàng lẩu hàng đầu Trung Quốc hiện nay - cũng chỉ có tỷ suất lợi nhuận khoảng 18-25%.
Chưa kể, hợp tác làm ăn với người nổi tiếng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như trường hợp của Trịnh Khải, nam diễn viên không phải là người sáng lập, đại diện pháp lý của Hỏa Phụng Tường. Anh chỉ góp vốn gián tiếp 70% cùng Trương Tùng. Do đó, khi hoạt động kinh doanh của Hỏa Phụng Tường gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, Trịnh Khải lập tức rút vốn. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư không thể tiếp tục sử dụng tên tuổi của Trịnh Khải để quảng bá cho nhà hàng lẩu.
Theo luật sư Trần Sách Vinh, đa số người nổi tiếng ngày nay đều đầu tư theo hình thức góp vốn, để thương hiệu được quyền sử dụng danh tính lẫn hình ảnh của họ để quảng bá. Do không có kiến thức chuyên môn, cũng như không ý thức được tầm ảnh hưởng của mình có thể gây ra thiệt hại cho khán giả, nhiều nghệ sĩ bỏ qua cảnh báo nhận quảng cáo, đầu tư trá hình vào dự án mập mờ. Đây là hành vi tiếp tay cho lừa đảo, coi thường người dân và pháp luật.
"Nghệ sĩ đang góp phần tạo ra một hình thức đa cấp mới cao cấp hơn. Họ giúp thương hiệu vét được một mẻ lưới lớn nhờ thu hút hàng nghìn nhà đầu tư nhỏ", Tân Hoa Xã bình luận.
Trịnh Khải từng đại diện một thương hiệu trà sữa bị tố lừa đảo, với số nạn nhân là 700 người, thiệt hại hàng hàng trăm triệu NDT. App quản lý tài sản sử dụng hình ảnh của MC Uông Hàm có hành vi lừa đảo, có tới 370.000 khách hàng là nạn nhân. Số tiền thiệt hại lên đến 3,5 tỷ USD. Nhãn hiệu trà sữa hoạt động theo mô hình đa cấp do Mã Y Lợi làm đại diện trục lợi hơn 108 triệu USD.