Hoàng Ngọc Anh là gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực xây dựng cộng đồng, đặc biệt là những chương trình của TEDxĐaKao. Các câu chuyện chia sẻ tại sân khấu này đều được đăng trên trang YouTube của TEDx Global (mạng lưới TEDx toàn cầu) và có hơn 21 triệu người theo dõi.
Ngày 2/4 tại Đại học Hoa Sen, Ngọc Anh đã tham gia chương trình “Sống hòa bình: Tôi - Chúng tôi và Chúng ta” do Quỹ Hòa bình & Phát triển TP.HCM (HPDF) phối hợp cùng TEDxĐaKao tổ chức. Tại đây, cô đã tổng hợp ý kiến của cá nhân và cộng đồng, chia sẻ những góc nhìn mở rộng về “Tôi - Chúng tôi - Chúng ta”.
Ngọc Anh tại buổi nói chuyện “Câu chuyện hòa bình”. |
Với cương vị là người đứng đầu TEDxĐaKao tại Việt Nam, Ngọc Anh muốn đưa hình ảnh và những câu chuyện ý nghĩa của Việt Nam tới kho tàng thư viện kiến thức cá nhân TED/TEDx, cũng như triển khai xây dựng cộng đồng TEDx tại Việt Nam để lan tỏa những ý tưởng truyền cảm hứng cho mọi người.
Trong quá trình đó, cô cũng đã trải qua nhiều khó khăn khi bị đại dịch Covid-19 tác động (hạn chế tổ chức sự kiện đông người). Nhưng với cô, đó là thời điểm thích hợp để có thể nhìn lại chính mình.
Ngọc Anh từng là đại diện Việt Nam tham dự tuần lễ TEDx quốc tế tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2019. |
“Khi mọi thứ chững lại, mình đã có thời gian phân tích khả năng, ‘tài nguyên’ của bản thân, giá trị bản sắc riêng.” Từ đó, với mục tiêu xây dựng cộng đồng, cô nhìn nhận các sự việc theo hướng tích cực, tiếp tục tìm cách kết nối với cộng đồng thông qua chuỗi hội thảo online “TEDx Circles” hay các bài chia sẻ trên mạng xã hội.
Tại buổi nói chuyện, Ngọc Anh cũng chia sẻ thẳng thắn về những thách thức khi tham gia vào TEDx và hành trình xây dựng cộng đồng của cô. “Mình đã trải qua những cung bậc cảm xúc khó khăn nhất, thậm chí có những lúc bị xuống tinh thần. Để rồi từ đó, mình nhận thấy giá trị trong sợi dây kết nối giữa người với người, tình cảm dành cho những người thân xung quanh, những người bạn tốt ủng hộ giá trị mình đang theo đuổi”.
Đó là cách Ngọc Anh hướng tới “Chúng tôi” và lớn hơn là “Chúng ta”. Theo cô, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho văn hóa được giao lưu, tạo điều kiện để mọi người kết nối không giới hạn. Nhưng điều đó cũng vô tình khiến ta bỏ qua những nền tảng văn hóa cốt lõi, từ đó gây ra những xung đột và thành kiến khi có sự khác biệt.
Ngọc Anh và các bạn trẻ tại chương trình “Sống hòa bình: Tôi - Chúng tôi và Chúng ta”. |
Điểm nhấn trong bài chia sẻ của Ngọc Anh là sự tương quan giữa những cá nhân nhỏ lẻ với toàn bộ cộng đồng. Mối tương quan này cần được nhìn nhận lại để hướng tới một lối sống tương hỗ, đoàn kết, có ý thức và trách nhiệm, giàu tình người mà chúng ta cùng mong muốn và cần cùng nhau xây dựng.
Theo Ngọc Anh, nếu tất cả “chúng ta” cùng đồng cảm, trân trọng lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày thì cùng nhau, mọi người sẽ tạo thành những vòng tròn lớn, hướng tới một tương lai mà chúng ta muốn sống. Đó không chi là một cộng đồng, đó còn là phong cách, thái độ sống - một tương lai bền vững. Đây cũng là lý do quỹ HPDF chủ trương đặt chương trình năm nay với tên gọi “Sống hòa bình”.
Bình luận