Hoàng Khánh Duy là cây bút trẻ đóng góp nhiều tác phẩm truyện, ký và các công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn học. Ảnh: NVCC |
Cây bút viết cho quê hương
Hoàng Khánh Duy đến với văn chương như một định mệnh. Từ khi còn là một cậu học trò yêu thích học văn, thuộc nhiều thơ, anh đã mơ về việc sáng tác. Năm 2015, cuộc gặp gỡ giữa Duy và các nhà văn trong một buổi giao lưu tại trường đại học đã nhen nhóm niềm đam mê trở thành cây bút trẻ trên giới văn đàn. Từ những câu chuyện nghề và hành trình sáng tạo của họ, anh tìm thấy động lực và lý do để chắp bút.
Như bao hành trình khác, con đường văn chương của Hoàng Khánh Duy không hề bằng phẳng. Anh thổ lộ: “Thách thức lớn nhất không nằm ở ngoại cảnh mà chính từ bản thân. Những lúc mất động lực hay ngại dấn thân, mình đã chọn cách nhìn lại, tự vấn và làm mới bằng việc đọc thêm, cảm nhận sâu hơn. Sự kiên nhẫn và ý chí là những yếu tố giúp mình vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục sáng tạo để mang đến những tác phẩm ý nghĩa”.
Không chỉ thành công với truyện ngắn, bút ký, Hoàng Khánh Duy còn gây ấn tượng trong lý luận phê bình. Với nền tảng nghiên cứu và giảng dạy Văn học, anh đã xuất bản nhiều bài báo, công trình nghiên cứu và tham luận tại các hội thảo trong và ngoài nước. Đề tài của anh luôn được chọn lọc kỹ lưỡng, mang lại những câu chuyện chạm đến tâm hồn độc giả qua chất liệu gần gũi và cảm xúc sâu lắng.
Sinh ra tại miền Tây, anh xem quê hương là điểm tựa tinh thần và nguồn cảm hứng sáng tạo. Những trang viết của anh thấm đượm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người miền Tây, được chắt lọc từ trải nghiệm thực tế. Anh viết để tri ân quê hương và lan tỏa vẻ đẹp vùng đất này.
Đến năm 2024, Hoàng Khánh Duy đã xuất bản 14 tác phẩm gồm 6 tập truyện ngắn, 2 tập tạp văn, 1 truyện dài thiếu nhi, 3 sách chuyên khảo và 1 tập ký. Không đặt nặng giải thưởng, anh được yêu mến nhờ sự nghiêm túc trong từng trang viết, coi thành công là cảm xúc và sự đồng điệu từ độc giả.
Nuôi khát vọng khám phá non sông
Năm 2024, Hoàng Khánh Duy ra mắt Việt Nam qua cửa sổ con tàu, ghi lại hành trình xuyên Việt bằng tàu hỏa. Anh xem đây là một "trải nghiệm" hơn là "du lịch", bởi chuyến đi giúp anh mở rộng tri thức, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp quê hương và tìm thấy chất liệu văn chương quý giá.
Tác phẩm Việt Nam qua cửa sổ con tàu là hành trình xuyên Việt mới nhất của Hoàng Khánh Duy. Ảnh: Ảnh: NVCC. |
Khánh Duy lần đầu chu du trên chuyến tàu Thống Nhất từ Nam ra Bắc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất nước qua ô cửa sổ tàu hỏa. Tác phẩm không chỉ là hành trình xuyên Việt mà còn là cơ hội để khám phá sự đa dạng thiên nhiên, văn hóa và con người. Anh gặp gỡ những người dân thân thiện, giàu lòng nhân ái, hiểu thêm về di sản văn hóa cha ông để lại.
Tác phẩm còn gắn kết với văn học và nghệ thuật qua những địa danh như làng Đại Hoàng (Hà Nam) hay Pleiku – những nơi anh tìm đến từ các dòng văn, câu hát. Mỗi điểm dừng chân, Duy lưu giữ cảm xúc bằng những bài viết nhỏ, không nhằm cung cấp tri thức mà lan tỏa tình yêu quê hương.
Dù trải nghiệm nhiều kỷ niệm đẹp, anh vẫn trăn trở về việc nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến giá trị lịch sử của các địa danh như Sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị hay Sông Bến Hải. Anh hy vọng giới trẻ sẽ khám phá những nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, không chỉ để tìm hiểu mà còn để lan tỏa vẻ đẹp ấy.
Trong tương lai, Hoàng Khánh Duy dự định thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng, hy vọng ngợi ca các anh hùng sẽ khơi dậy tinh thần dân tộc và tình yêu đất nước, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Với anh, văn chương không chỉ là nơi lưu dấu cảm xúc mà là cách thể hiện lòng biết ơn lịch sử.
Hoàng Khánh Duy nhắn nhủ: “Dù làm bất cứ công việc gì, hãy đặt sự nghiêm túc và nỗ lực lên hàng đầu. Bản lĩnh và không từ bỏ giấc mơ sẽ giúp bạn biến điều không thể thành có thể”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.