Sáng ngày 28/9, giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 được công bố tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP.HCM). Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung đã trở thành hai tác giả trẻ nhất trong lịch sử 12 lần tổ chức của giải thưởng này.
Tác phẩm Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ có độ dày 552 trang, là công trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn từ sơ khởi cho đến khi trở thành một đô thị lớn trước năm 1945. Trong đó, những góc nhìn mới về quá trình khởi tạo và phát triển đô thị Sài Gòn cổ đã đem lại một dấu ấn riêng cho tác phẩm trong dòng sách lịch sử về vùng đất này.
Theo TS Lê Hữu Phước, Tổng thư ký Ủy ban giải thưởng, tuy chưa đồ sộ như các tác phẩm đoạt giải của những năm trước, đây vẫn là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao sự đóng góp của các tác giả, thông qua “lao động, sáng tạo bằng tình yêu, trách nhiệm của mình, đã biên tập những tài liệu lưu trữ thành một tác phẩm có giá trị”.
Ông cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực không mệt mỏi, những đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các thành viên Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu. Ông cho rằng trong nhiều năm qua, giải thưởng đã đem lại những đóng góp có ý nghĩa cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Từ tài liệu lưu trữ thành tác phẩm giá trị
Chia sẻ tại lễ trao giải, tác giả Cù Thị Dung cho biết ấn phẩm là kết quả của một quá trình chuẩn bị và nghiên cứu lâu dài. Ngoài việc thừa hưởng một khối lượng tri thức đồ sộ từ các thế hệ nhà nghiên cứu đi trước, nhóm tác giả đã tiếp cận và xử lý một khối tài liệu lớn tại các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước.
Trong đó, nhiều tài liệu lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía Nam (năm 1698) cho đến năm 1945; và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng với các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.
“Một số vấn đề còn mới trong chuyên khảo mà chúng tôi đã thực hiện, chỉ là những mảnh ghép ban đầu cho một đô thị hàng đầu Nam Bộ. Bản thân Sài Gòn - Chợ Lớn và rộng hơn là Nam Bộ, luôn ẩn chứa các giá trị lịch sử và cần sự chung tay của các thế hệ để viết nên những tư liệu này. Và chúng tôi lấy làm vinh dự khi đóng góp một phần nhỏ trong việc nghiên cứu những giá trị lịch sử đó”, tác giả Cù Thị Dung nói.
Thông qua giải thưởng năm nay, ban tổ chức cũng gửi đến thông điệp khuyến khích các tác giả trẻ nỗ lực nghiên cứu, biên soạn các công trình về lịch sử vùng đất, con người Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm tri thức và văn hóa Việt Nam.
Theo ban tổ chức, trong thời gian tới Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu sẽ tiếp tục tìm kiếm các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Đây được xem là mảng đề tài quan trọng và thú vị mà từ trước đến nay vẫn chưa tìm được công trình phù hợp để trao tặng Giải thưởng.
Giải thưởng Trần Văn Giàu ra đời vào năm 2002 theo tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu. Mục tiêu của giải thưởng là động viên, khích lệ cho các tác giả có các công trình nghiên cứu thuộc hai lĩnh vực: lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ và khu vực cực Nam Trung Bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).
Những truyện dài mở đầu nghiệp viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
Truyện dài "Nguyễn Xí" đăng báo Truyền bá năm 1943 là tác phẩm đầu tiên được xuất bản, mở đầu nghiệp viết lách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.
Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn qua tài liệu lưu trữ
Sách "Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ" là công trình kế thừa những thành tựu nghiên cứu và khối tài liệu quý về lịch sử đô thị.
Di sản vô giá của học giả Nguyễn Đình Đầu
Bên cạnh kho tư liệu đồ sộ, di sản mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu để lại là một tấm gương sáng cho những trí thức trẻ noi theo.