Khi Meghan Markle gọi Hoàng gia Anh là The Firm - tạm hiểu là hệ thống công ty - trong cuộc phỏng vấn đầy kịch tính với Oprah Winfrey, nữ công tước đã ví hoàng gia có cách vận hành tương tự doanh nghiệp.
Và những câu chuyện diễn ra với Hoàng gia Anh gần đây giống như việc doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Nhà Sussex là thành viên của tập đoàn lên tiếng tố cáo lại nơi mình từng làm việc. Hiểu theo cách khác, chuyện của Hoàng gia Anh lại giống bộ phim cung đấu dài tập, khi nhà Sussex “kể tội” gia đình có thái độ phân biệt chủng tộc và đối xử tệ với họ.
Câu chuyện của Harry và Meghan là bộ phim truyền hình “đau thương” về những mối quan hệ cha - con, anh - em, chị - em dâu, những xung đột dù là nhỏ nhất. Đó là cung đấu.
Song, câu chuyện cũng là sự tham gia của người ngoài cuộc - ở đây là Meghan Markle - vào công ty gia đình lâu đời, dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn. Đó là chuyện thương trường.
Hoàng gia Anh - cung đấu hay cuộc chiến thương trường?
Thuật ngữ “Công ty” được Hoàng gia Anh sử dụng từ lâu. Lúc Nữ hoàng Elizabeth chỉ là công chúa, Đức Vua George VI đã thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi không chỉ là gia đình. Chúng tôi là một công ty”.
Hoàng gia Anh là doanh nghiệp lớn, bao gồm lực lượng hùng hậu gồm thư ký riêng, cố vấn truyền thông, nữ phục vụ, chủ hộ, tài xế, người hầu, người giúp việc, người làm vườn và tất cả người điều hành cung điện…
Chỉ riêng Điện Buckingham, nhân sự ở đây lên đến 400 người. Họ điều hành mọi thứ từ kinh doanh dịch vụ ăn uống rộng lớn cho hàng chục bữa tiệc lớn nhỏ do nữ hoàng tổ chức cho đến hệ thống PR kiểu công ty đưa tên tuổi những thành viên đến với công chúng, báo chí...
Penny Junor, nhà sử học hoàng gia - tác giả cuốn The Firm: The Troubled Life of the House of Windsor, cho biết: “Rất khó để phân biệt giữa gia đình và hệ thống công ty. Hoàng gia không phải là gia đình giỏi giao tiếp với nhau. Họ chắc chắn không tốt trong việc chăm sóc lẫn nhau”, Junor nói.
Nhà Sussex khẳng định Hoàng gia Anh vận hành theo kiểu công ty. |
Bà cũng cho biết ngay cả những điều mang tính riêng tư nhất như mời cha mẹ, con cái đến ăn tối, họ cũng nhờ đến thư ký riêng.
Khi giải thích lý do rời Hoàng gia Anh, nhà Sussex lấy cớ không muốn thực hiện trọng trách, không được hoàng gia bảo vệ - thiên về vấn đề quan liêu - hơn là sự phức tạp trong quan hệ gia đình. “Các nhân viên truyền thông của cung điện đã không bảo vệ Meghan trước thông tin sai sự thật từ báo chí”, nhà Sussex nói.
Trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey, Harry khẳng định ngay cả cha và anh ruột là Thái tử Charles và Hoàng tử William cũng mắc kẹt trong hệ thống này. Họ chỉ được thoải mái trong giới hạn nhất định. “Cha và anh trai tôi không thể rời đi. Tôi thấu hiểu điều đó”, Harry kể.
Trước khi buổi phỏng vấn của nhà Sussex được phát sóng, Cung điện đã thể hiện quyền lực hành chính, đưa ra giải pháp xử lý khủng hoảng khi ra tuyên bố điều tra các cáo buộc trên The Times về việc việc Meghan đã bắt nạt nhân viên khiến cấp dưới khóc, bỏ việc.
Báo cáo trên cũng đưa ra cái nhìn mới mẻ về Hoàng gia Anh. Điện Buckingham rõ ràng là nơi làm việc hơn là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thế giới. Giống như bất kỳ nhà tuyển dụng nào khác, cung điện cũng đăng danh sách việc làm. Hiện, hoàng gia tìm kiếm cố vấn kỹ thuật số với lương cơ bản từ 30.000-41.660 USD/năm.
“Bạn sẽ trở thành điều gì đó đặc biệt khi làm việc cho hoàng gia”, bản tuyển dụng viết.
Bữa trưa miễn phí là một trong số những lợi ích bên lề khi làm việc trong cung điện. Cố vấn cấp cao của hoàng gia là vị trí đặc biệt được nhiều người thèm muốn. Công việc này thường thu hút người trong quân đội, những cá nhân được biệt phái từ quốc gia khác…
Fiona Mcilwham, người từng là đại sứ Anh trẻ nhất trong lịch sử, là thư ký riêng cuối cùng của Harry và Meghan trước khi rời Hoàng gia Anh. Sara Latham, cựu thư ký truyền thông khác, cũng từng là trợ lý ở Nhà Trắng, sau đó làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton.
Lý giải nguyên nhân Harry và Meghan khó chịu với nhân viên của họ, một số người trong cung điện cho rằng nhà Sussex đã chia sẻ nhân viên ở Điện Kensington với nhà Cambridge.
Ngay cả sau khi hai anh em tách đội ngũ nhân viên, mối quan hệ với các phụ tá vẫn còn nhiều xáo trộn, nhất là khi những tin tức không mấy hay ho về Meghan vẫn tiếp tục lan truyền. Việc Markle sa thải nhân viên cũng được cho là một trong số họ đã biết trước thông tin nhà Sussex đòi rời Hoàng gia Anh trước khi vụ việc được công bố hồi tháng 1/2020.
"Quyền lực" báo lá cải
Báo chí tác động rất lớn, thổi bùng mâu thuẫn giữa nhà Sussex và Hoàng gia Anh.
Thái tử Charles được cho là xây dựng quan hệ tốt đẹp với báo chí, được truyền thông ưu ái dù có quá khứ thậm chí dữ dội hơn con trai Harry. Khác với cha ruột, nhà Sussex rạch ròi với báo lá cải, thậm chí đệ đơn kiện các tờ báo vì đưa tin không đúng sự thật, thiếu bằng chứng.
Harry không chỉ khẳng định bản thân mình là người bị hại, anh còn cho rằng truyền thông có trách nhiệm lớn cho cái chết của mẹ anh - cố Công nương Diana - người gặp tai nạn giao thông, qua đời khi cố trốn chạy paparazzi ở Paris năm 1997.
Harry cho rằng có bản “hợp đồng vô hình” giữa gia đình và các tờ báo lá cải. “Nếu bạn sẵn sàng uống rượu, dùng bữa và tiếp cận đầy đủ với phóng viên, bạn sẽ được báo chí ưu ái hơn”, Công tước xứ Sussex nói.
Harry cũng khẳng định Thái tử Charles và các thành viên khác trong gia đình rất sợ các tờ báo lá cải đưa tin về mình. Ông cho rằng sự tồn tại của chế độ quân chủ phụ thuộc vào việc duy trì hình ảnh đẹp với người dân Anh, điều đó có sự tác động lớn từ báo chí. Để làm được điều đó, cung điện cho phép các phóng viên hoàng gia luân phiên tham gia các cuộc họp và buổi lễ do nữ hoàng tổ chức.
Trở thành con mồi của báo chí, truyền thông từ lâu đã trở thành nghĩa vụ của các thành viên hoàng gia. |
“Nỗi sợ hãi đã tồn tại qua nhiều thế hệ”, Harry nhấn mạnh.
Các nhà sử học cho biết mối quan hệ giữa hoàng gia và các tờ báo lá cải được thiết lập từ những năm 1920. Giao dịch này thường mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hoàng gia có cơ hội quảng bá hình ảnh, các tờ báo lá cải sống tốt nhờ việc đưa tin về hệ thống quân chủ lâu đời.
Với sự xuất hiện của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch vào những năm 1970, thông tin về hoàng gia trở nên “thâm độc” và cứng rắn hơn. The Sun - ấn phẩm của Murdoch - từng bị Harry cáo buộc rằng có được thông tin từ việc hack điện thoại di động của anh. Trong khi đó, Meghan thắng kiện tờ The Mail vì xuất bản bất hợp pháp bức thư riêng cô gửi cho cha mình - ông Thomas Markle.
Edward Owens, nhà sử học kiêm tác giả cuốn sách The Family Firm: Monarchy, Mass Media and the British Public, 1932-53, cho biết chế độ quân chủ và báo chí có mối quan hệ tương hỗ. "Chế độ quân chủ không thể tồn tại nếu không có phương tiện truyền thông, nhưng hoàng gia liệu có biết cách quản lý các phương tiện truyền thông?”, Owens nói.
Ông Owens cho biết trường hợp của Harry và Meghan không phải là duy nhất. Họ chỉ là cặp vợ chồng mới nhất trong danh sách dày đặc các thành viên hoàng gia đau đầu với báo chí. Và điều này được miêu tả là cái giá phải trả cho việc thực hiện nghĩa vụ hoàng gia.
“Từ khi George VI tuyên bố Hoàng gia Anh là một công ty, sự hy sinh trở thành một phần không thể tránh khỏi. Đó chính là nghĩa vụ, việc kinh doanh của Hoàng gia Anh phải đặt lên hàng đầu”, nhà sử học Edward Owens khẳng định.