Thủ tướng vừa chính thức chấp thuận cho TP Hà Nội xây thêm một cây cầu nữa nằm sát cầu Vĩnh Tuy với quy mô và hình dáng tương đồng. Khoảng cách giữa 2 tim cầu là 21,25 m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
Trong văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.540 tỷ đồng, giảm hơn 20 tỷ đồng so với báo cáo tiền khả thi. Toàn bộ dự án sẽ được đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội.
Một nửa mặt đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy trở thành đường cụt trong suốt 10 năm chờ dự án giai đoạn 2. Ảnh: Ngọc Tân. |
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai II của Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa 2 bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc.
Về phương án tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy mới sẽ đảm nhiệm chiều đường từ bờ nam (quận Hai Bà Trưng) sang bờ bắc (quận Long Biên) với 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, một làn hỗn hợp và dải đi bộ. Như vậy, toàn bộ phần cầu cũ sẽ chuyển thành đường 1 chiều từ Long Biên vào trung tâm thành phố.
UBND Hà Nội cho biết 2 bên bờ sông đều có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu (xây chờ từ giai đoạn 1) nên dự án không cần giải phóng mặt bằng.
Cầu Vĩnh Tuy là trục giao thông quan trọng kết nối trung tâm Hà Nội với các đô thị mới bên bờ bắc sông Hồng. Ảnh: Ngọc Tân. |
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công năm 2005 và đưa vào khai thác năm 2010. Theo thiết kế ban đầu, cầu có chiều rộng 38 m, dài 5,8 km, trong đó phần vượt sông dài 3,7 km, đường dẫn hai đầu 1,68 km. Do thiếu vốn, dự án mới hoàn thành phần đường dẫn 2 đầu cầu và một nửa diện tích mặt cầu rộng 19 m.
Năm 2011, Hà Nội phê duyệt dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Nhưng do thiếu vốn, dự án bị chững lại suốt 8 năm không thể khởi công. Dự kiến vào quý III/2020, Hà Nội lựa chọn nhà thầu, thi công trong khoảng 2 năm để hoàn thành vào tháng 12/2022.