Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hoàn tất Basel III, Sacombank đến gần đích tái cơ cấu

Sacombank trở thành ngân hàng tiếp theo được chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo Basel III từ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Sacombank anh 1

Trước đó, từ năm 2021, Sacombank đã chính thức triển khai Basel II vào hoạt động, qua đó nâng tầm hệ thống quản lý rủi ro, nâng cao tính an toàn và bền vững cho ngân hàng. Ở Sacombank, Basel không chỉ là những quy định bằng văn bản mà còn được ứng dụng vào mọi mặt hoạt động với hệ thống công nghệ tiên tiến.

Lãnh đạo Sacombank cho biết Basel III được xem là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng, đảm bảo sự ổn định của nguồn vốn, tính thanh khoản, giúp các nhà băng có đủ năng lực để vượt qua khủng hoảng. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ quản lý rủi ro ở điều kiện hiện tại mà cả những dự báo cho tương lai. Đặc biệt, rủi ro được đo lường ở điều kiện bình thường lẫn kịch bản căng thẳng.

Nâng tầm hệ thống quản trị rủi ro

Trong 6 tháng cuối năm, với sự đồng hành và tư vấn của EY Việt Nam, Sacombank đã thực hiện đánh giá toàn diện khung quản lý rủi ro và triển khai các khía cạnh quan trọng của Basel III theo phương pháp tiêu chuẩn, cụ thể: Quy định và phương pháp luận tính toán các tỷ lệ an toàn theo trụ cột I của Basel III như tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ đòn bẩy (Leverage Ratio - LR); quy trình thực hành ILAAP bao gồm quy định và phương pháp luận tính toán các tỷ lệ an toàn thanh khoản như tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR), tỷ lệ nguồn vốn ổn định (Net Stable Funding Ratio - NSFR) theo Basel III; quy định và phương pháp luận thực hiện quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn (ICAAP) theo Basel III cùng các quy định khác về công bố thông tin, quản lý trạng thái rủi ro lớn, phương pháp luận mô hình hành vi.

Đồng thời, Sacombank đã xây dựng thành công hệ thống tính toán và báo cáo tự động các chỉ số CAR, LR, LCR, NSFR và tính toán ICAAP.

Sacombank anh 2

Các trụ cột của Basel II và Basel III.

Với việc triển khai Basel III, Sacombank ứng dụng vào việc thiết lập các chỉ tiêu kế hoạch định hướng theo rủi ro thông qua việc phân bổ vốn (RAROC), góp phần cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống, đồng thời tối ưu hóa chi phí kiểm soát nguồn vốn và thanh khoản.

Ngoài ra, việc tự động hóa các báo cáo công bố thông tin và quản trị nội bộ theo tiêu chuẩn Basel III giúp nhà băng quản lý những chỉ số an toàn một cách nhanh chóng và kịp thời. Điều này phù hợp với lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn và công nghệ cao vào hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro của Sacombank.

Khẳng định nội lực, tự tin về đích tái cơ cấu

Việc triển khai thành công Basel III đã giúp Sacombank đánh dấu một bước tiến dài trên hành trình kiện toàn năng lực, đây cũng là tín hiệu cho thấy điểm cuối của hành trình tái cơ cấu tại Sacombank đã cận kề.

Để vừa tái cơ cấu vừa hoàn thành Basel III, Sacombank đã nỗ lực và tăng tốc rất nhiều, lên sẵn kế hoạch vững vàng trong giai đoạn khó khăn nhất, tăng mã lực và từng bước hoàn thành nhiều mục tiêu kép.

Tại lễ kỷ niệm 32 năm thành lập ngày 21/12, Sacombank công bố hoàn thành Basel III và kết quả hoạt động năm 2023 với tổng tài sản tiếp tục mở rộng, ước đạt 663.569 tỷ đồng.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, tổng tài sản của Sacombank tăng hơn 99,9%, chất lượng tài sản cải thiện mạnh với tài sản có sinh lời tăng gần 167%, chiếm 90,3% trong tổng tài sản, tăng gần 23 điểm phần trăm. Ngân hàng cũng thông báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022, đạt kỳ vọng đặt ra tại đại hội đồng cổ đông Sacombank tổ chức vào ngày 25/4.

Tháng 4, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã công bố điều chỉnh triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Sacombank từ “ổn định” thành “tích cực”. Moody’s đánh giá Sacombank có tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng nhỏ nhất trong các ngân hàng được xếp hạng. Đơn vị cũng đã tái xác nhận xếp hạng tiền gửi dài hạn và nhà phát hành của Sacombank ở bậc B3 nhờ những nỗ lực thực hiện chiến lược tái cơ cấu. Tổ chức này đưa ra dự đoán tích cực về khả năng tăng hạng của Sacombank trong năm 2024.

Hiện tại, Sacombank đã xử lý dứt điểm phần lớn vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của đề án. Tính đến hết tháng 11, Sacombank thu hồi, xử lý được hơn 92.600 tỷ đồng, trong đó hơn 72.000 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt 84% kế hoạch tổng thể đề án đến năm 2025. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống còn 3,5%, góp phần đưa lợi nhuận đạt kế hoạch và tăng trưởng ổn định.

Các chỉ số an toàn hoạt động tại Sacombank tuân thủ quy định, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.

Trên cơ sở nội lực vững vàng đó, Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại đề án tái cơ cấu.

Sacombank anh 3

Sacombank rút ngắn lộ trình tái cơ cấu nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ.

Lãnh đạo Sacombank cho biết cốt lõi của sự thành công trong triển khai Basel III chính là con người. Nhân sự tại Sacombank được xem là một mảnh ghép trọng yếu mang đến sự hoàn thiện trong từng lát cắt và cả bức tranh tổng thể của ngân hàng.

Từ văn hóa biết cân bằng, kiên định và kỷ luật, con người tại Sacombank đã biến ba tuyến phòng thủ - ba trụ cột từ văn bản giấy thành hiện thực. Cùng với các ủy ban và hội đồng rủi ro, mỗi cán bộ nhân viên Sacombank luôn được quán triệt, chia sẻ và trao trách nhiệm để đảm bảo kịp thời phát hiện, xử lý rủi ro cũng như áp dụng triệt để biện pháp nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Tăng lòng tin của khách hàng và cổ đông

Việc Sacombank - một ngân hàng đang tái cơ cấu - gia nhập vào nhóm ngân hàng Việt Nam hoàn thành triển khai Basel III đã giúp củng cố niềm tin từ thị trường. Đặc biệt từ nay, khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư của Sacombank có thể tin tưởng hơn nữa vào sức mạnh tài chính và tính an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

Trong vòng lặp xây dựng niềm tin, từ việc từng bước củng cố, Sacombank tiếp tục dùng sự tín nhiệm làm nền tảng hướng tới những bước tiến vững chắc hơn, hướng đến mục tiêu cao hơn, vươn tầm khu vực và quốc tế.

Đối với một ngân hàng đặt chữ tín làm đầu trong suốt quá trình 32 năm hình thành và phát triển, từng thế hệ ở Sacombank không ngừng nỗ lực và hướng tới những tiêu chuẩn khắt khe hơn để bảo đảm lợi ích của cổ đông và khách hàng. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động.

Phượng Minh

Bạn có thể quan tâm