- Nhìn Hoài Linh người ta nghĩ ngay đến hài. Nhưng hình như anh ở đời thường có phần nghiêm túc quá?
- Trên sân khấu thì tưng tưng thế thôi, về nhà tôi hơi khép kín, có khi nghiêm khắc với bản thân nữa. Hơn chục năm trước, bố tôi đã nói: “Thằng Linh già hơn cả bố”.
Tôi không cô đơn nhưng cô độc, khi buồn không có người tâm sự. Tôi không phải kiểu người rần rần, chỗ nào cũng vui. Hồi ngoài hai mươi, tưng thì được, giờ hơn bốn chục rồi. Lâu lâu gặp con cái và bạn bè, tôi cũng vui được, nhưng ở mức độ khác.
Hoài Linh và con trai nuôi Hoài Lâm. |
- Anh đủ nổi tiếng rồi sao phải bon chen làm giám khảo gameshow “Gương mặt thân quen”?
- Nhà sản xuất đưa format cho tôi xem. Tôi thấy vui nên làm thôi. Đó cũng là sân chơi giải trí cho anh em nghệ sĩ, cũng dễ thương nên tôi nhận lời.
- Tuần vừa rồi, ở chương trình này, anh chê con trai Hoài Lâm giả Marc Anthony không đạt: “Hôm nay coi như đi chơi thôi, không thi cử gì hết”. Anh không ngại khi chấm điểm con trai mình sao?
- Cũng có lời ong tiếng ve, cha giám khảo mà con đi thi. Mới nghe thấy hơi kỳ kỳ, nhưng tôi tự hỏi lương tâm và thấy mình công bằng. Với tôi, công sức mọi người bỏ ra như nhau. Tôi thiên vị là vô tình đánh chết thằng con tôi. Thương con phải cho roi cho vọt. Khi chấm điểm cũng vậy, nếu thấy ổn chấm cao, không thì vẫn đánh mày 7 điểm như thường.
- Trong liveshow ở Hà Nội, anh vào vai ông ngoại vùng quê lên thăm con cháu, gặp phải đối thủ bà nội rất chảnh. Vai ông già anh chọn khá nhiều thời gian gần đây, anh chán giả gái rồi?
- Đôi khi tôi cũng muốn thử vai lạ cho thay đổi không khí. Dạo một vòng thấy không được, ta lại quay về cốt cũ, như thế là hay nhất. Hơn 20 năm nay, vai già, trẻ, vai ác, lẳng gì tôi đều làm hết rồi. Gần đây, các em trẻ giả gái làm quá, thế nên tôi thấy cũng bị ảnh hưởng. Ba năm nay tôi nghỉ, thế mà đôi khi báo chí vẫn lôi mình vào.
Giả gái dù dữ hay hiền mình vẫn phải làm đẹp. Nhiều người bây giờ làm lưng lửng, tôi không thích. Bây giờ tay chân run rẩy rồi, mỗi lần đi diễn ngồi vẽ mặt vẽ mày, dính lông mi thành lông mày. Thôi, nghỉ luôn cho rồi. Hồi xưa thiếu diễn viên nữ nên tôi bén duyên, chứ diễn viên nữ đẹp giờ nhan nhản, mà diễn lại được nữa.
- Theo anh có sự khác nhau giữa hài hai miền không?
- Trước đây tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Quan trọng mình phải hiểu tâm lý đối phương muốn gì, tâm lý khán giả từng miền. Có những từ gần với người miền Bắc, nhưng xa với người miền Nam, và ngược lại. Tôi được cái may mắn là sống với người ba miền, hiểu được nhiều từ lóng. Trong kịch bản, mình dùng từ lóng vài lần, chia đều ra thì vai đó sẽ được.
Người ta cứ nói diễn hài ngoài Bắc phải sâu hơn. Tôi nghĩ khán giả mang tâm lý đến xem mình để cười sảng khoái. Bây giờ người ta muốn xem cái gì nhanh, cần giải trí liền liền cho nhẹ đầu.
- Nhưng khiến khán giả cười bây giờ còn khó hơn làm bi kịch ấy chứ, anh không nghĩ thế sao?
- Hài lúc nào mọi người cũng cần cả. Tuy nhiên có thời điểm mình lạm dụng hài nhiều quá, phát truyền hình, băng đĩa cho nên người ta xem nhiều cũng ớn.
- Anh thử đủ vai ông già bà cả, giả gái cũng khá giống từ cách mặc áo dài, đi đứng. Có lúc nói với người này giọng Nam, quay phắt sang bên cạnh nói giọng Bắc. Đó có phải chỉ là duyên trời cho?
- Tôi bước vô nghề là điều may mắn. Các vai diễn đều như ơn trên sắp xếp, chứ không phải do bầu sô, nên vai dù có chướng bao nhiêu, tôi đều vô khá ngọt.
Nghề này cũng là nghề ăn cơm góp. Đi mỗi vùng miền ăn một bát cơm của người ta, thì mình cũng phải làm cái gì để ra bát cơm đó. Nông dân miền Tây khác hẳn nông dân miền Bắc, cách cầm bó mạ cấy cũng khác. Bó mạ người miền Nam cầm xoay vô, người miền Bắc xoay ra.