Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hoa xoan đỏ trong thơ Nguyễn Bính có thật, đó là cây gì?

Nguyễn Bính viết: “Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ/ Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan”. Vậy hoa xoan đỏ trong câu thơ trên là loài cây nào?

Hoa xoan nở vào cuối xuân trở thành cảm hứng cho biết bao câu thơ đẹp ra đời. Xưa nay, ai cũng biết cây xoan (hay còn gọi xoan ta, sầu đông, thầu đâu) thường nở vào tháng ba âm lịch, khi nở hoa thường có hai màu tím, trắng. Chính Nguyễn Bính cũng có những câu thơ đẹp nao lòng: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" (Mưa xuân).

Hoa xoan do trong tho Nguyen Binh la cay gi? anh 1
Hoa xoan với hai sắc trắng, tím nở cuối xuân trở thành thi hứng cho biết bao nhà thơ. 

Mới đây, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đưa thắc mắc lên trang Facebook cá nhân về hoa xoan đỏ trong bài thơ Nguyễn Bính. Cụ thể trong bài thơ Cuối tháng Ba, Nguyễn Bính viết:

“Chưa hè trời đã nắng chang chang
Tu hú vừa kêu vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan”.

Cùng thắc mắc về màu hoa xoan đỏ trong thơ Nguyễn Bính, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn đặt dấu hỏi về thời điểm hoa xoan nở trong bài hát Hà Nội mười hai mùa hoa của Giáng Son với câu: “Trở về tuổi thơ hoa xoan tháng tám”.

Nhiều người cho rằng không thể có hoa xoan màu đỏ; sở dĩ nhà thơ, nhạc sĩ viết hoa xoan đỏ, hoa xoan nở vào tháng tám vì đó là màu, là thời khắc trong tâm thức của người nghệ sĩ.

Tuy vậy, một người dùng mạng xã hội có tên Phước Vũ đã chỉ ra cây xoan đỏ có thật, không phải “màu hoa trong tâm tưởng” người nghệ sĩ. Hoa xoan đỏ mà các nhà thơ nhắc tới chính là hoa xoan tây như trong bài Hoa xoan của Lưu Trọng Lư viết:

"Từ buổi chàng xa non nước này
Em buồn ngày có tới đêm nay
Xoan tây trước bến hai lần đỏ
Lệ nhỏ hai lần, chàng có hay?"

Như vậy, hoa xoan đỏ chính là cây xoan tây. Nhưng cây xoan tây là cây gì, liệu có phải một nhánh của cây xoan nở hoa tím, trắng vào tháng ba như chúng ta vẫn thấy?

Hoa xoan do trong tho Nguyen Binh la cay gi? anh 2
Cây phượng còn được một số người gọi là xoan tây. 

Theo bách khoa tri thức mở Wikipedia, cây phượng, hay phượng vỹ còn được gọi với các tên: xoan tây, điệp tây. Trước đây, một số người gọi cây phượng là xoan tây. Hoa phượng màu đỏ rực, cũng nở dịp đầu hè, trùng khớp với thời điểm “hoa gạo tàn đi” như lời thơ Nguyễn Bính. Có lẽ chính vì thế mà có màu xoan đỏ trong vần thơ mà chúng ta thấy. 

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ái tình, như chính trong thơ ông viết: “Mộng đẹp theo ngày tháng/ Đi êm đềm như thơ”.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm