Kyle Hui không được nhìn mặt mẹ anh lần cuối. Anh đã lên kế hoạch từ Thượng Hải về Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, vào dịp Tết Nguyên đán nhưng mẹ anh ngã bệnh trước khi anh về đến.
Bà có triệu chứng của căn bệnh do chủng virus corona mới gây ra, nhưng dụng cụ xét nghiệm không có sẵn tại thời điểm đó. Ngày 14/1, ba ngày sau nhập viện, bà được đặt nội khí quản. Bà qua đời hôm sau.
Tết Thanh Minh không thể tảo mộ
Anh trai của Hui được nhìn thấy mẹ của họ lần cuối qua cánh cửa kính khi bà chuyển vào khu cách ly. Vài ngày sau, bà được chuyển ra trong một túi đựng thi thể màu vàng mà gia đình bị cấm mở vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm.
Việc chôn cất bà diễn ra vội vã. Một nhà tang lễ nhận thi thể và hỏa thiêu. Cùng ngày, gia đình đưa tro cốt đến nghĩa trang địa phương để chôn cất ngay lập tức, không tổ chức tang lễ.
"Thông thường ở Vũ Hán, chúng tôi sẽ tổ chức lễ viếng vào buổi sáng để gia đình và bạn bè nói lời tạm biệt với người quá cố, trước khi hỏa thiêu. Sau khi tro cốt được chôn cất, gia đình thường tổ chức một bữa trưa, sau đó tang lễ được coi là hoàn thành", anh Hui nói. "Những gì chúng tôi đã làm (cho mẹ tôi) là vô cùng bất thường".
Phần mộ của mẹ anh Kyle Hui. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Việc chôn cất diễn ra nhanh đến nỗi không có thời gian để chuẩn bị bia mộ.
Hiện tại, tấm ảnh đen trắng của bà được để tựa vào phiến đá trần nơi gia đình bày trái cây, rải những cánh hoa cúc và thắp hương phía trước.
Sự bùng phát của virus, nay đã lây nhiễm cho hơn một triệu người trên thế giới, buộc các gia đình như gia đình anh Hui phải chôn cất người thân như vậy.
Họ không có thời gian để nói lời tạm biệt người quá cố và tiến hành các hoạt động truyền thống vào Tết Thanh Minh, rơi vào ngày 4/4 năm nay.
Theo truyền thống, người dân trên khắp Trung Quốc sẽ đi thăm mồ mả tổ tiên để tỏ lòng thành kính, còn được gọi là tảo mộ, trong ngày Thanh Minh.
Tuy nhiên, các quy định nghiêm ngặt trong việc hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus vẫn đang được áp dụng. Những hạn chế này bao gồm việc đóng cửa các không gian công cộng như nghĩa trang.
Theo thông báo của chính quyền Vũ Hán vào tuần trước, tất cả nghĩa trang trong thành phố sẽ đóng cửa cho đến ngày 30/4. Các gia đình có thể đăng ký trước để nhờ nhân viên nghĩa trang dọn dẹp mồ mả thay họ.
Tang lễ cũng không được phép tổ chức, vì việc này được xem là hoạt động tụ tập đông người vốn đã bị cấm từ khi dịch bệnh xảy ra.
Nghĩa trang Biển Đảm Sơn tại Vũ Hán. Tất cả nghĩa trang trong thành phố đều sẽ đóng cửa cho đến ngày 30/4. Ảnh: AFP. |
Không tang lễ
Việc nhận tro cốt của người thân cũng khó khăn. Tuần trước, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy rất đông người dân - một số mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân - xếp hàng tại các nhà tang lễ địa phương, chờ đợi để nhận được tro cốt của người thân.
Gia đình chị Chen Huishan nhìn thấy những bức ảnh và quyết định đợi vài ngày trước khi đến nhận tro cốt của bố chồng chị, ông Yang Wanzhou.
Ông Yang, 72 tuổi, nhiễm virus tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Ông đến đó mỗi tuần để lấy thuốc điều trị bệnh Parkinson trong hơn 10 năm qua.
Ông nhanh chóng nhiễm virus nhưng không thể nhập viện vì thiếu giường. Trong một tuần, ông đến bệnh viện và đứng xếp hàng hàng giờ liền để tiêm thuốc điều trị triệu chứng.
Ngày 23/1, sức khỏe ông trở nên tệ hơn. Gia đình đã gọi hàng chục cuộc để tìm xe cứu thương nhưng tất cả đều quá bận không thể đón ông Yang. Ông qua đời sáng hôm sau, trong ngày cuối cùng của năm âm lịch. Gia đình đã gọi đến một nhà tang lễ và trải qua buổi tối đầu tiên của năm mới ở đó.
Thi thể ông Yang được hỏa thiêu ngay lập tức.
Cán bộ khu phố đã đến nhà họ cách đây vài ngày, nói rằng một chiếc xe sẽ đến để đưa các gia đình đi nhận tro cốt người thân. Còn lại, người dân vẫn bị hạn chế di chuyển tự do ở Vũ Hán.
"Cán bộ khu phố sẽ đi cùng chúng tôi đến chôn cất và giám sát để đảm bảo không có đám tang", chị Chen nói. "Nhưng điều đó có thể hiểu được. Đó là cách để ngăn ngừa lây nhiễm chéo trên diện rộng".
Người dân chờ đợi nhận tro cốt người thân bên ngoài một nhà tang lễ ở Vũ Hán hôm 26/3. Ảnh: Caixin. |
Bồi thường 3.000 tệ
Một vài người bạn của cô mất người thân trong dịch bệnh đã nhận được 3.000 nhân dân tệ (422 USD) tiền bồi thường từ chính quyền địa phương.
Ủy ban Y tế Quốc gia đã ra thông báo hồi tháng 2, trong đó nêu ra các quy định cụ thể cho việc xử lý thi thể người chết trong dịch bệnh. Thi thể cần được khử trùng và đưa đi hỏa thiêu ngay lập tức.
Nếu gia đình từ chối, cơ sở y tế sẽ ký giấy tờ và đưa thi thể đi hỏa thiêu với sự phối hợp cùng cảnh sát địa phương.
Thi thể sẽ được đưa đến các nhà tang lễ gần bệnh viện nhất và đi qua các tuyến đường được chỉ định.
Tất cả thi thể đều sẽ được hỏa thiêu và sẽ không có chuyện chôn cất, tang lễ và không được vận chuyển đến các thành phố khác. Quy định cũng cấm lưu trữ thi thể và mở túi đựng thi thể.
Đầu tháng 2, nhiều nhà tang lễ đã kêu gọi sự giúp đỡ trực tuyến. Họ rất cần thiết bị bảo vệ, cồn, kính bảo hộ và túi đựng thi thể. Họ thiếu nhân viên và phải làm việc suốt đêm.
Quá trình này khiến các gia đình không có thời gian để than khóc hoặc thu xếp bất cứ chuyện gì. Một số người bị căng thẳng và sợ sẽ đổ bệnh.
Người dân mặc đồ bảo hộ nhận tro cốt người thân tại một nhà tang lễ ở Vũ Hán hôm 26/3. Ảnh: Caixin. |
Sau khi ông Yang qua đời, gia đình chị Chen đã hết sức lo lắng về các dấu hiệu có thể cho thấy họ đã nhiễm virus. Chen và chồng chị, người đã đến Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán cùng với ông Yang, nói rằng họ sợ hãi khi họ bắt đầu cảm thấy đau ở phổi và khó thở, dù họ không bị sốt.
Mẹ chị bị sốt và phải vừa cách ly vừa uống thuốc. "Hồi tháng 2, tôi đã rất lo sợ, tôi sụt mất 5 kg", chị Chen nói.
Họ cũng chứng kiến các thành viên khác trong gia đình bị bệnh. Dì của Chen có triệu chứng tim đập nhanh và bệnh viện chẩn đoán là bệnh tim trước khi nhận thấy nhiễm trùng phổi qua ảnh chụp cắt lớp. Bà đang được điều trị bệnh Covid-19.
Không chính sách rõ ràng
Nhiều người ở Vũ Hán nói họ cảm thấy hoang mang và thất vọng với cách xử lý của giới chức trong những trường hợp đặc biệt này.
"Không có chính sách rõ ràng nào về hóa đơn y tế và tang lễ cho những người như mẹ tôi, người đã chết trước khi phong thành", anh Hui nói.
Anh đã gọi cho các cơ quan chính quyền ở Vũ Hán trong tuần này về hậu sự của mẹ anh, nhưng được cho biết trọng tâm công việc của họ trước mắt là giải quyết những trường hợp qua đời sau khi phong thành.
Các nghĩa trang đã bắt đầu cung cấp dịch vụ trực tuyến. Người dùng có thể nhấp chuột vào phần "đồ cúng" để trang trí hình ảnh mộ phần trên trang web, với trái cây, hoa và hương. Họ cũng có thể viết tên của người quá cố lên ngôi mộ và để lại tin nhắn.
Một người dân chui qua rào chắn cách ly ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Darren Chen, một người ở thành phố Thâm Quyến có mẹ qua đời ở Vũ Hán vào tháng 1, cho biết anh sẽ chỉ làm tang lễ trên mạng, tuân thủ những gì chính phủ mong muốn.
Đối với anh, mọi việc sẽ khép lại chỉ khi mẹ anh được công nhận là nạn nhân Covid-19.
"Nguyên nhân cái chết trên giấy chứng nhận chỉ là 'viêm phổi'", anh nói. "Đó không phải là công lý cho người quá cố, đó là chẩn đoán vô trách nhiệm. Chừng nào điều đó không được thay đổi, mọi việc sẽ không bao giờ kết thúc".
Cán bộ khu phố ở Vũ Hán đã gọi anh Chen nhiều lần, nhưng họ không bao giờ nhắc đến mẹ anh. Họ liên tục hỏi về sức khỏe của anh, hỏi anh có bị sốt không. Anh cảm thấy thất vọng vì họ không bao giờ gửi lời chia buồn về mẹ anh, cũng không nói về hậu sự.
Một người họ hàng của anh, Shang Manquing, cho biết anh đã tìm được một người bạn giúp treo cờ cầu nguyện quanh hồ thiêng Namtso ở Tây Tạng ngay khi những hạn chế được dỡ bỏ, như một cách để bày tỏ sự tiếc thương.
"Việc này là dành cho người quá cố. Dành cho những người thân yêu của chúng ta, cho những người xa lạ và cho thành phố của chúng ta", anh Shang nói.