Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Họa sĩ nếu chỉ trông chờ vào nhuận bút truyện tranh thì chết sặc’

Nhiều tác giả cho rằng sẽ khó sống nếu chỉ trông chờ vào việc xuất bản truyện tranh rồi nhận nhuận bút, họ phát triển thêm các hướng sáng tác khác để tăng thu nhập.

Long thần tướng, Bad Luck... đều là những truyện tranh thành công gần đây. Nhưng tác giả đều không coi nhuận bút của tác phẩm này là thu nhập chính.

Nguồn thu lớn nhất không đến từ việc xuất bản truyện

Long thần tướng là bộ sách đình đám trong làng truyện tranh Việt Nam vài năm gần đây. Tác phẩm được đánh giá có chất lượng cao, đạt giải thưởng về truyện tranh quốc tế, được mua bản quyền để xuất bản tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha.

Nhưng Thành Phong - một trong các tác giả của bộ truyện - cho biết, nhuận bút cho mỗi tập truyện phải bỏ công sức làm trong một năm trời chỉ bằng thu nhập một dự án mà anh làm trong một tháng.

Hoa si kho song tu nhuan but truyen tranh anh 1
Long thần tướng là bộ truyện nổi bật trong làng truyện tranh Việt hiện nay, nhưng tác giả không sống nhờ nhuận bút sách.

Long thần tướng là tác phẩm rất thành công, gây quỹ hàng trăm triệu đồng để xuất bản, nhưng số tiền gây quỹ đó là chi phí tối thiểu để xuất bản sách. Vì thế nhuận bút dành cho các tác giả không nhiều. Thành Phong vẫn coi đó là một dự án mang tính cá nhân nhiều hơn là trông đợi thu nhập ở đó.

Cũng như Thành Phong, tác giả Châu Chặt Chém (Nguyễn Huỳnh Bảo Châu) là cái tên mới nổi trong giới truyện tranh. Tác phẩm Bad Luck (Số nhọ) của cô khi xuất bản thành sách đã gây tiếng vang, được mua bản quyền dựng phim.

Tác giả chia sẻ: “Nhuận bút từ xuất bản sách mình lĩnh một cục, nhưng mình làm nửa năm mới có thể ra được sách. Nếu chia ra mỗi tháng thì nhuận bút từ sách không nhiều”.

Khi được hỏi, vì sao nhuận bút chia ra không cao mà vẫn sáng tác truyện, nữ tác giả nói: “Nhuận bút không nhiều nhưng vẫn vẽ, vì thích, đam mê làm cho mờ mắt nên vẫn vẽ. Việc chuyển thể lên phim, nếu có nhuận bút cũng không thể trông cậy vào đó mà sống”.

Nguyễn Khánh Dương - biên kịch bộ truyện Long thần tướng, nhà sáng lập Comicola (đơn vị xuất bản, khai thác truyện tranh của tác giả Việt) nêu ý kiến: “Thẳng thắn mà nói, doanh thu chỉ từ truyên tranh, bán truyện sẽ khó lòng có một cuộc sống tốt cho tác giả. Ở Việt Nam bây giờ, họa sĩ truyện tranh nếu chỉ thuần sáng tác và trông chờ vào nhuận bút thì sẽ ‘chết sặc ngay’.

Sống khỏe nhờ các nguồn thu ngoài sách

Nguyễn Khánh Dương nhận định, nghề làm truyện tranh không mang lại thu nhập “tốt” cho tác giả ngay và luôn, trừ phi đó là một bộ truyện siêu hit; nhưng nếu chăm chỉ cần mẫn, chắc chắn sẽ có ngày tác giả ấy có thu nhập tốt.

Không trông chờ vào nhuận bút xuất bản truyện, song họa sĩ có nhiều nguồn thu nhập khác. Họa sĩ Thành Phong cho biết anh thường nhận nhiều công việc, dự án ngoài như vẽ minh họa, vẽ tranh theo đặt hàng. Nhưng các dự án anh nhận thường có tính chất văn hoá nghệ thuật theo đúng sở thích.

Châu Chặt Chém cũng làm thêm nhiều việc, từ vẽ minh họa, vẽ truyện tranh thuê tới viết kịch bản thuê. Một số tác giả nhận vẽ thuê cho các đơn vị truyện tranh nước ngoài. Hoặc một nguồn thu mới cho tác giả truyện tranh là việc khai thác tác phẩm trên môi trường kỹ thuật số.

Hoa si kho song tu nhuan but truyen tranh anh 2
Thăng Fly sống khỏe nhờ vẽ truyện tranh, nhưng nguồn thu không đến từ nhuận bút xuất bản sách. 

Thăng Fly là một trong những họa sĩ thành công khi có nhiều nguồn thu khác ngoài xuất bản sách. Anh phát triển trang Facebook cá nhân của mình qua các bức tranh, những câu chuyện vui vẻ hoặc cảm động… Nhờ những mẩu truyện tranh giàu sáng tạo này, Thăng Fly “lôi kéo” được cộng đồng fans. Theo một nghĩa nào đó, Thăng trở thành người nổi tiếng.

Anh nhận được hợp đồng vẽ truyện tranh quảng cáo cho các nhãn hàng, được mua bản quyền tác phẩm, được đặt hàng vẽ tranh… Dễ nhận thấy nhất, các nhân vật của Thăng Fly xuất hiện trên những ứng dụng chat phổ biến là Zalo. Sau chưa đầy hai năm vào TP.HCM lập nghiệp, anh đã có thể mua nhà, tậu xe nhờ vẽ truyện tranh trên trang cá nhân.

Dùng chuyên môn của mình là vẽ truyện tranh để phát triển nhiều nguồn thu nhập là xu thế của nhiều họa sĩ. Tuy nhiên, những người có thể “sống tốt” nói dù thế nào cái lõi của họ vẫn là truyện tranh.

“Bùi Tiến Dũng sẽ khó có thể sống khỏe từ lương cứng của việc đi làm thủ môn. Nhờ tạo ấn tượng với các bạn trẻ, bạn ấy có cơ hội ở nhiều lĩnh vực khác, nhưng dù gì bạn ấy cũng phải là một thủ môn tốt”, biên kịch Khánh Dương nêu ví dụ.

Còn Thăng Fly, anh khẳng định sẽ sáng tác truyện tranh để xuất bản, nhưng việc xuất bản sách giấy hay điện tử chỉ diễn ra khi nào anh thấy tác phẩm của mình đạt độ chín, thật chất lượng. Còn bình thường, miệt mài vẽ, lấy vẽ làm niềm vui vẫn là cách mà họa sĩ này thực hiện. “Cứ vui vẻ vẽ, thu nhập sẽ đến với mình”, tác giả Pikalong nói.

Nếu làm chuyên nghiệp, cánh cửa cho họa sĩ truyện tranh vẫn mở

Khác với nhiều họa sĩ truyện tranh hiện nay, Hoàng Anh Tuấn - trưởng nhóm B.R.O Comics - khẳng định: “Tôi chưa thấy ai làm truyện tranh chuyên nghiệp mà nghèo. Nếu làm truyện tranh chuyên nghiệp thì không thể nghèo được”.

Hoa si kho song tu nhuan but truyen tranh anh 3
Tranh vẽ Hoàng Anh Tuấn - một họa sĩ sống tốt nhờ nhuận bút truyện tranh.

Bản thân Hoàng Anh Tuấn đã sống trong nghề 13 năm, là tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là hai bộ truyện tranh: Học sinh chân kinhLớp học mật ngữ. Hiện nay Lớp học mật ngữ đang là bộ sách bán chạy tại các điểm phát hành.

Hoàng Anh Tuấn cho biết nhóm B.R.O có bốn người, họ vẽ truyện, sách ra đều đều hàng tháng. Và nếu có sách phát hành đều, thì họ sống được hoàn toàn nhờ vào tiền nhuận bút xuất bản sách. “Với tôi, có công ty vẽ riêng, có thu nhập từ truyện, tôi hoàn toàn hạnh phúc với truyện tranh.

Tác giả Lớp học mật ngữ nêu quan điểm, những ai nói làm truyện tranh mà thu nhập không tốt thì hoặc đó là người mới vào nghề, hoặc là những người không chuyên, chỉ coi làm truyện tranh để cho vui. “Nếu anh làm gì đó cho vui, thì anh đừng đòi hỏi điều gì đến với mình ngoài niềm vui", Hoàng Anh Tuấn nói.

Hoa si kho song tu nhuan but truyen tranh anh 4
Một số tập trong bộ Lớp học mật ngữ thành công của Hoàng Anh Tuấn và nhóm B.R.O.

Tuy nhiên, những cá nhân như Hoàng Anh Tuấn, nhóm B.R.O không nhiều trong giới truyện tranh.

Theo Khánh Dương, các tác giả truyện tranh Việt Nam có nhiều người đam mê, yêu nghề, và cũng rất giỏi. “Các cuộc thi truyện tranh gần đây, tác giả Việt Nam luôn nằm trong top đầu (như cuộc thi Silent Manga, mấy lần gần đây trong top 3 đều có tác giả người Việt). Độc giả truyện tranh ở Việt Nam rất đáng yêu và đáng nể. Khi làm truyện tranh, đôi khi mình chưa có kinh nghiệm quản lý tiến độ, dẫn tới tốc độ ra truyện không được như kỳ vọng, số lượng bản in ít dẫn tới giá bìa cao, nhưng độc giả truyện tranh Việt Nam vẫn tận tình ủng hộ tác phẩm Việt".

Nhưng những yếu tố đó chưa đủ làm nên thị trường xuất bản truyện tranh tốt, dẫn đến thu nhập của họa sĩ không đặt hết vào lĩnh vực này. Khánh Dương phân tích vấn đề thu nhập họa sĩ truyện tranh bằng yếu tố thị trường xuất bản.

"5 năm nay, số lượng truyện tranh Việt Nam trên thị trường là một phần rất rất nhỏ so với truyện tranh nước ngoài. Comicola của chúng tôi gần như là đơn vị tiên phong chỉ khai thác truyện tranh Việt, và cũng có được những thành tích đáng kể. Nhưng một nền truyện tranh muốn phát triển sẽ cần nhiều hơn một công ty. Có cạnh tranh, có đối đầu, sẽ tự hoàn thiện mình hơn, và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Tác giả sẽ rất khó sống nếu không có đầu ra. Tác giả dù sáng tác giỏi thế nào đi nữa, cũng không thể tự mình in cuốn sách ra được.

Tôi thấy truyện tranh của tác giả người Việt chưa được các đơn vị xuất bản quan tâm thỏa đáng. Tất nhiên, mỗi đơn vị họ có lý do, có tôn chỉ hoạt động và có định hướng khác nhau. Khi không có nhiều đầu ra như vậy, họa sĩ truyện tranh trông chờ vào việc xuất bản sách giấy thì khó mà sống được”, Khánh Dương "bắt bệnh" thị trường xuất bản truyện tranh.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm