Bức tranh Cô gái Dao đỏ của họa sĩ Lê Thế Anh (phải) và tranh chép (trái). Ảnh: NVCC. |
Trong một đoạn thông tin chia sẻ trên trang cá nhân mới đây, họa sĩ Lê Thế Anh (giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cho biết tranh chép từ tác phẩm của mình bị họa sĩ Phạm Hồng Minh - một họa sĩ trẻ được mệnh danh là “phù thủy vẽ tranh trình diễn" - ký tên lên.
Họa sĩ Lê Thế Anh cho biết anh đã liên hệ và nhận được lý do từ họa sĩ Hồng Minh rằng mua tranh về cao hứng ký tên lên. Trong đoạn tin nhắn qua lại giữa họa sĩ Lê Thế Anh và tài khoản được cho là của họa sĩ Phạm Hồng Minh có nội dung xác nhận họa sĩ Minh ký tên lên tranh chép.
Ký tên lên tác phẩm là sự đánh dấu về việc sáng tạo ra tác phẩm đó
Theo luật sư Trần Thị Tám (Giám đốc Công ty IPCom Việt Nam), Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải trả nhuận bút, thù lao.
Theo đó, có một số trường hợp chúng ta được phép sao chép tác phẩm của người khác mà không phải xin phép cũng không phải trả tiền bao gồm: trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; chụp ảnh, truyền hình tác phẩm được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó.
Trường hợp khác cũng được sao chép tác phẩm hội họa là sao chép những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, tức là tác phẩm mà tác giả mất đã hơn 50 năm.
Pháp luật chưa có quy định về việc ký tên lên bức tranh là sự xác nhận về quyền của tác giả đối với một bức tranh do mình tạo nên. Tuy nhiên, như tôi tìm hiểu, trong lĩnh vực mỹ thuật, việc ký tên lên tác phẩm là sự đánh dấu của tác giả về việc mình đã sáng tạo ra tác phẩm đó, bất kể tác phẩm này sau này có thể được chuyển giao từ nhà sưu tập này sang nhà sưu tập khác thì chữ ký của tác giả vẫn không thay đổi.
Ngoài những hình khối, đường nét, màu sắc… của tác phẩm hội họa thì chỉ có duy nhất chữ ký của tác giả, ngoài ra không có một dấu ấn nào của bất kỳ người nào khác, đối với bức tranh chép (trong trường hợp sao chép hợp pháp) người chép tranh không được ký tên mình trên đó.
Điều này phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ “không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm”.
Bức tranh Lì xì nhé của họa sĩ Thế Anh (phải) cũng bị sao chép. Ảnh: NVCC. |
“Như vậy việc sao chép tranh, ký tên mình lên tác phẩm mà không 'thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm' là hành vi “gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả', chưa kể đến việc có được sao chép hay không, thì cũng đã là hành vi xâm phạm quyền tác giả”, luật sư Trần Thị Tám cho biết.
Khi tranh chép trở thành vấn nạn
Trước đó, vào hồi tháng 6, họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng đã là nạn nhân của vấn đề tranh chép lan tràn. Cụ thể, qua người quen, anh Tuất được biết có một giao dịch mua bán tác phẩm hội họa đã diễn ra tại Hà Nội. Tại đó, tác phẩm được giao dịch là một bức tranh sơn mài khổ lớn (1,2 m x 2,35 m, 3 tấm ghép), không rõ tác giả. Theo lời mời chào từ những người bán, bức tranh này được cho là “đồ cổ”, có tuổi thọ "đã lâu", với bằng chứng là những vết nứt vỡ trên vóc.
Điểm đặc biệt là bức tranh giống tác phẩm Một ngày như thế của họa sĩ Bùi Văn Tuất đã được trưng bày vào tháng 12/2018, đến nay đã có người sưu tầm và không có bản thứ hai.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất bên cạnh bức tranh Những em bé miền núi. Ảnh: QĐND. |
Nhận xét về vấn nạn sao chép tranh trái phép, họa sĩ Bùi Văn Tuất cho biết: “Việc này đã diễn ra rất nhiều năm nhưng về mặt tích cực trong khoảng thời gian gần nhờ sự vào cuộc gắt gao của cơ quan luật pháp cũng như cộng đồng người yêu nghệ thuật, những bức tranh giả trôi nổi trên thị trường hay tại các xưởng in cũng đã dần biến mất. Dù vậy những nơi làm tranh giả đang ngày một trở nên tinh vi hơn, có tổ chức hơn đòi hỏi xã hội phải tiếp tục lên án mạnh mẽ”.
Còn với họa sĩ Bùi Trọng Dư, một trong những khó khăn nhận thấy được trong quá trình tố giác tranh giả, tranh sao chép trái phép là việc khó truy xuất được nguồn gốc người làm ra các bức tranh này. Công nghệ in ấn đã tạo ra thách thức với các họa sĩ, chỉ cần có một chút kiến thức về sơn mài hoàn toàn có thể tạo ra những bản sao. Điều này ảnh hưởng tới uy tín người làm nghệ thuật chân chính cũng như giá trị của các tác phẩm.
“Nếu sự việc của họa sĩ Lê Thế Anh có thể đi tới cùng, đây sẽ trở thành một lời cảnh cáo đanh thép cho những người có ý định làm tranh giả sau này. Họ sẽ phải e sợ hơn trước pháp luật và từ bỏ ý định ăn cắp chất xám của người khác”, họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ.