Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hóa' sách dịp 7 năm ngày mất Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn

Đúng 7 năm ngày mất Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn (20/9/2006 - 20/9/2013), đông đảo bạn bè và đồng đội đã đặt vòng hoa, thắp nhang tưởng nhớ ông tại nghĩa trang Thủ Đức.

Tại nghĩa trang đã có một số đồng đội của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn nay vào độ tuổi xưa nay hiếm với mái đầu trắng cước, những bước đi run rẩy chậm chạp như bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo), nhà chỉ huy tình báo chiến lược Trần Quốc Hương (Mười Hương). 

Theo bà Tám Thảo, khoảng thời gian cuối năm 1960 đầu 1961, khi đó tổ chức bị đứt rời chỉ còn một mình bà. Trong lúc Phạm Xuân Ẩn từ Mỹ trở về, chính bà là người đầu tiên đi đón và trở thành liên lạc viên của ông từ đó. Do khoảng thời gian dài làm việc cùng nhau nên đến bây giờ, khi nhắc lại người đồng đội can trường bà vẫn không giấu được xúc động.

Bà Tám Thảo cũng cho biết, những ngày giỗ trước đây của Phạm Xuân Ẩn bà đều lên nghĩa trang thắp nhang cho ông. Nhưng khác với mọi năm, năm nay bà cảm thấy vui mừng khi có nhiều người, nhất là người trẻ đã hiểu và ghi nhận công lao của ông.

Bà Tám Thảo, ông Mười Hương (thứ ba từ trái sang) và ông Nguyễn Văn Phước thắp hương trước mộ Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Sau nghi lễ thắp nhang, trước mộ của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, ông Nguyễn Văn Phước đã tiến hành nghi thức “hóa” cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6 của Giáo sư người Mỹ Larry Berman, dịch giả Đỗ Hùng. Đây như một cách để thông báo về phiên bản mới nhất vừa được Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News và NXB Hồng Đức liên kết phát hành. 

Ngay sau đó, đêm tri ân tưởng nhớ Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn với chủ đề “Ngày hôm qua không bao giờ chết” cùng lễ khánh thành bảng đồng ghi nhớ thời gian hoạt động tại đây của ông. 

"Hóa" cuốn Điệp viên hoàn hảo.

Bảng đồng này sẽ được đặt tại căn phòng 307, lầu 2 của khách sạn Continental. Tại đây, từ năm 1960 - 1975, với vai trò là một phóng viên chi nhánh hãng Thông tấn Reuters và sau đó là của tuần báo Time tại Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã thu thập một lượng lớn thông tin tình báo có giá trị đặc biệt quan trọng về các chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. 


Tấm bảng đồng do ông Nguyễn Văn Phước và nhà nghiên cứu người Mỹ Larry Berman cùng lên ý tưởng và thực hiện với nội dung: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Khách sạn Continental Sài Gòn, trước đây có tên gọi là Continental Palace, từng là trụ sở của các tạp chí danh tiếng Time và Newsweek. Với sứ mệnh là một nhà tình báo chiến lược, Tướng Phạm Xuân Ẩn, đã đi học báo chí ở Mỹ, và sau đó là nhà báo chính thức của Hãng tin Reuters, Tạp chí Time và New York Herald Tribune, đã từng hoạt động tại đây cho đến ngày 30/4/1975”. 

Tri ân Thiếu tướng Trần Xuân Ẩn.

Vì bận công tác nên Giáo sư Larry Berman không thể sang Việt Nam tham dự ngày mất của Phạm Xuân Ẩn. Giáo sư đã trò chuyện cùng mọi người qua điện thoại: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi cuốn sách được ra mắt ở Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng, ông ấy có thể chết nhiều lần nếu không có sự giúp đỡ của những người bạn H63”.

Dự kiến, tháng 11 tới Giáo sư Larry Berman sẽ về Việt Nam. 

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm