“Hoa nở bung 1 tuần rồi không ai mua. Giá hoa giờ rất thấp, bán không bù công thu hoạch, tôi buộc phải nhổ bỏ để chuẩn bị đất cho vụ mới”, ông Sanh nói khi đang tự tay nhổ bỏ hàng nghìn gốc hoa cúc chùm trên mảnh vườn rộng 1.000 m2 ở phường 9, TP Đà Lạt.
Hoa Đà Lạt rớt giá kỷ lục
Những ngày đầu tháng 6, làng hoa Thái Phiên, vùng trồng hoa truyền thống của TP Đà Lạt trầm lắng hẳn. Không còn cảnh chen chúc của hàng chục xe tải của thương lái đến gom hoa và tỏa đi khắp cả nước, thay vào đó là cảnh hoa bị nhổ bỏ, chất đống chờ khô để đốt.
Ông Sanh tự tay nhổ bỏ hàng nghìn gốc cúc chùm vì không bán được. Ảnh: Minh An. |
Tự tay nhỏ bỏ vườn hoa cúc chùm 1.000 m2, ông Sanh quệt mồ hôi thở dài: “Coi như vụ này mất trắng. Mấy tháng trời tự tay chăm sóc, thì nay tự tay mình nhổ bỏ nó”.
Ông Sanh cho biết, hàng năm vào dịp mùng 1 Âm lịch và Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 Âm lịch) là cao điểm cho hoạt động thu hoạch hoa cắt cành tại Đà Lạt, để chuyển đi các thị trường trọng điểm tiêu thụ.
Năm nay hàng hóa ứ đọng, hoa đến “cữ” thu hoạch nhưng không ai mua. Hoa tồn đọng, giá rớt thê thảm khiến người trồng ngậm ngùi. “Cúc chùm hỉ còn giá 4.000 đồng/5 cành, thấp hơn nhiều so với thời điểm dịch chưa bùng phát. Giờ có bán được hoa cũng không đủ bù công thuê thu hoạch, vận chuyển nên đành nhổ bỏ”, ông Sanh buồn bã.
Đứng trong vườn cúc đại đóa rộng 3.000 m2, anh Nguyễn Văn Hiệp (ở làng hoa Thái Phiên, phường 12) đang lựa những bông đẹp nhất để bán ra thị trường. Giá hoa xuống thấp khiến anh không dám thuê nhân công mà tự tay thu hoạch để giảm chi phí.
Năm ngoái, vườn cúc đại đóa rộng 3.000 m2, hơn 150 nghìn cành, anh Hiệp thu về gần 200 triệu đồng, nhưng vụ này thu về chưa bằng một nửa.
“Với giá bán này chúng tôi không bù được chi phí sản xuất, nhân công, vận chuyển. Chưa tính ai vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng hoa dịp này chắc chắn gặp khó”, anh Hiệp nói.
Người nông dân nhổ bổ hoa hàng loạt ở Đà Lạt vì giá bán quá thấp, không bù chi phí. Ảnh: Minh An. |
Theo các hộ trồng hoa, hiện giá các loại hoa đều giảm ít nhất 50%, có loài giảm đến 70% nhưng vẫn không bán được. Đặc biệt, các mặt hàng hoa tươi có giá trị cao như lily hiện chỉ còn từ 20.000-30.000 đồng/bó, hồ điệp từ 20.000-30.000 đồng/cành.
Giá hoa quá thấp khiến nhiều người trồng ở Đà Lạt chấp nhận nhổ bỏ, bởi đề thêm chỉ tốn công chăm sóc trong khi vụ mới sắp cận kề.
Vì sao hoa Đà Lạt rớt giá?
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, giá các sản phẩm hoa trên địa bàn giảm mạnh từ ngày 10/5 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đến ngày 31/5, TP.HCM - thị trường tiêu thụ hoa rất quan trọng của Đà Lạt, thực hiện giãn cách xã hội. Từ thời điểm này, giá hoa Đà Lạt tụt đốc không phanh. Thậm chí, nhiều loại không thể tiêu thụ được như hoa hồng, đồng tiền, cẩm chướng…
Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, vào thời điểm hoa mùng 1 và Tết Đoan Ngọ, người trồng hoa trong tỉnh Lâm Đồng sẽ cung cấp cho chợ Đầm Sen (TP.HCM) 20 triệu cành hoa. Còn các chợ Hồ Thị Kỷ, Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn khoảng 28 triệu cành hoa.
“Sau khi dịch bùng phát ở TP.HCM, các chợ hoa như Đầm Sen đóng cửa khiến hoa Đà Lạt ứ đọng. TP.HCM là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất của Lâm Đồng, khi chiếm 70%. Nông dân trồng hoa đang thật sự gặp khó”, đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng hoa, ngày 4/6, Hiệp hội hoa Đà Lạt đã có công văn gửi UBND quận 11 và Sở Công Thương TP.HCM xem xét, tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen. Thời gian từ ngày 7 đến 14/6 (tức 27/4 đến 5/5 Âm lịch) để hỗ trợ, giải quyết tiêu thụ một phần hoa tươi cho nông dân Lâm Đồng trong tình hình khó khăn hiện nay.
Nhiều hộ trông hoa ráng thu hoạch bán cho thương lái gỡ gạc lại vốn chăm sóc. Ảnh: Minh An. |
Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng cho biết, các nhà xe vận chuyển hoa Đà Lạt vào chợ hoa tươi Đầm Sen đều cam kết thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
“Hiệp hội rất mong Sở Công Thương và UBND quận 11 xem xét, tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen để hỗ trợ, giải quyết tiêu thụ một phần hoa tươi cho nông dân Lâm Đồng trong thời gian cấp bách này”, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, nói.
Trong ngày 4/6, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng có công văn đề nghị Sở Công Thương TP.HCM có phương án hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hoa của Lâm Đồng. Đồng thời, có thể xem xét cho mở cửa trở lại chợ Đầm Sen từ ngày 7/6 đến hết ngày 14/6.
Trao đổi với Zing, đại diện Sở Công Thương TP.HCM xác nhận chợ Đầm Sen đóng cửa khiến thị trường hoa tỉnh Lâm Đồng gặp khó.
"Chợ Đầm Sen đóng cửa từ ngày 31/5 để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số chợ bán lẻ như Bình Điền, Thủ Đức, Hồ Thị Kỷ vẫn đang hoạt động và những nơi này sẽ tiếp nhận hoa từ Lâm Đồng về tiêu thụ trong dịp cao điểm sắp tới", vị đại diện này nói.
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, sau khi có quyết định đóng cửa thì quận 11 đã chỉ đạo Ban quản lý chợ hoa Đầm Sen hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến nhằm không làm đứt gãy việc tiếp nhận, phân phối hoa ra thị trường.
“Lãnh đạo sở đã chỉ đạo phải giữ được sự lưu thông hàng hóa, không để tình trạng dồn ứ, ngưng trệ trong thời gian dịch đang phức tạp. Ngoài ra, các đơn vị trong TP nếu có khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay để tháo gỡ”, đại diện Sở Công Thương TP.HCM nói và cho biết sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có biện pháp giải quyết vướng trong tiêu thụ hoa của tỉnh Lâm Đồng như kiến nghị.