8h sáng, ông Nguyễn Văn Định (trú phường Cam Linh, TP Cam Ranh) đã hối hả cùng nhóm bạn đan lưới lồng nuôi tôm hùm, kịp giao cho khách. “Hai tháng qua người nuôi tôm hùm đặt làm lồng nhiều lắm, làm không xuể”, ông nói.
Ngày 10 tiếng đan lưới vẫn không đủ hàng
Theo ông Định, nhóm của mình toàn thợ lành nghề, mỗi ngày có thể đan 9-10 lưới lồng nuôi. "Hai tháng qua làm việc liên tục 10 tiếng/ngày nhưng không đủ hàng giao cho khách", ông nói.
Do nhu cầu tăng cao, thợ đan lưới ở khu vực Cam Ranh đang khan hiếm. Bình thường họ chỉ làm 1-2 tháng đầu năm đã hết việc, nhưng giờ đã sang tháng 4, nhu cầu lưới lồng tôm hùm vẫn rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Định ngày làm 10 tiếng từ 2 tháng nay nhưng không kịp hàng giao cho khách. Ảnh: T.L. |
Ông Hoàng Văn Sáu, một thợ đan lưới cho biết từ đầu năm đến nay, nhiều người trúng tôm hùm nên họ tiếp tục đầu tư. “Chúng tôi phải làm liên tục vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi tôm”, ông nói và cho biết hiện thợ đan lưới được trả công 750.000 đồng/lồng. Đây là mức tiền công khá cao, nhưng cũng không tìm ra thợ.
Theo khảo sát, nhu cầu về lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh vẫn rất lớn. Ông Trương Phú Điệp, ngụ phường Cam Linh, TP Cam Ranh cho biết năm nay mình chỉ bổ sung 20 lồng, nâng tổng số lồng lên 80. “Nhiều hộ mở rộng gấp đôi lượng lồng nuôi để tăng năng suất vì thị trường đang cần. Tôi chỉ thêm 20 lồng, vì lo dịch thị trường cuối năm khó bán”, ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, người đặt lồng nuôi tăng mạnh cũng vì mấy năm nay bão liên tục, lưới lồng hư hại nhiều. “Lưới hư nhẹ có thể vá, nhưng bị nặng thì phải thay nếu không rất dễ mất tôm trong quá trình nuôi”, ông nói.
Còn ông Trần Văn Lực (ngụ TP Cam Ranh) một người nuôi tôm phân tích đa phần người nuôi thấy cái lợi trước mắt, giá đang lên cao nên mua lồng, mở rộng diện tích. “Giá tôm sau Tết tăng mạnh có lúc 1,2 triệu/kg, những ai có tôm bán dịp đó đều có lãi”, ông Lực cho biết.
Hệ lụy khi tăng diện tích nuôi
Theo ông Lực, sau thời gian dịch Covid-19, tôm không xuất được sang Trung Quốc khiến giá lao dốc. “Sau Tết, Trung Quốc tăng thu mua nên giá nhích lên, người nuôi mới lấy lại được số vốn thiệt hại thời gian trước. Giờ họ cấp tốc đầu tư mở rộng thêm hy vọng thu lãi lớn khi thị trường đang cần”, ông Lực cho biết thêm.
Hiện giá tôm hùm xanh dao động 850.000-1 triệu đồng/kg. Với giá này, người nuôi tôm ở Cam Ranh có lãi lớn. Thời điểm này năm ngoái đang chật vật kêu gọi “giải cứu tôm hùm” vì giá quá thấp, thị trường tiêu thụ không có trong khi tôm tồn đọng hàng chục tấn.
Ông Lê Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cam Ranh, cho biết những tháng gần đây giá tôm hùm xanh tăng mạnh, có thời điểm lên đến 1,2 triệu đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm hùm xanh đã tăng gấp đôi nên người nuôi tiếp tục mở rộng số lồng nuôi tôm trên vịnh Cam Ranh.
Hiện, chỉ tính riêng số lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh đã lên tới hơn 40.000 lồng.
Giá tôm hùm xanh đang ở mức cao khiến người nuôi ồ ạt mở rộng diện tích. Ảnh: A.B. |
Giá cao, người nuôi dồn vốn mở rộng diện tích bất chấp quy hoạch, nguy cơ để lại nhiều hệ lụy về môi trường, giá cả.
Theo UBND TP Cam Ranh, do diện tích, số lượng lồng nuôi tôm tăng nhanh khiến tàu thuyền di chuyển trong vịnh Cam Ranh gặp nhiều khó khăn.
Chưa hết, diện tích tăng đồng nghĩa với nguy cơ ô nhiễm môi trường nước từ thức ăn nuôi tôm dư thừa. Ngoài ra, chất thải từ nuôi tôm làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên chính con tôm và các loại thủy, hải sản đang được nuôi khu vực này.
Theo ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh, giữa tháng 5, TP đã ban hành kế hoạch quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng mặt nước vịnh Cam Ranh.
TP Cam Ranh chủ trương giữ nguyên vị trí các lồng bè nuôi trồng thủy sản hiện có, không cơi nới, phát triển thêm và không đặt lồng bè trong phạm vi luồng hàng hải, vùng nước cấm do Vùng 4 Hải quân quản lý.
Cũng theo ông Hải, UBND TP Cam Ranh đã giao cho các xã, phường quản lý chặt chẽ lồng bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh mới số lượng lồng bè, diện tích nuôi trồng thủy sản tự phát.
Đồng thời, các địa phương xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phát triển mới lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Theo kế hoạch năm 2021, nông dân toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ thả nuôi khoảng 52.700 lồng tôm hùm, trong đó chủ lực là tôm hùm xanh. Riêng địa bàn TP Cam Ranh đã chiếm hơn 40.0000 lồng.
Thời điểm tháng 2/2020, cả nước giải cứu tôm hùm Khánh Hòa. Năm nay, diện tích, lồng nuôi tăng mạnh cộng thêm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người nuôi tôm ở Khánh Hòa lại lo lắng.