Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát (KCN Phú Mỹ II mở rộng, Thị xã Phú Mỹ) với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết đã thu xếp đủ nguồn vốn và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng nhà máy trong tháng 6. Dự án có quy mô công suất 500.000 TEU/năm, tập trung sản xuất các sản phẩm container phổ biến với chiều dài 20-40 feet. Trong đó, công suất giai đoạn 1 khoảng 180.000-200.000 TEU/năm.
"Dự kiến đầu quý II/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường”, ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát khẳng định.
Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng do Hòa Phát sản xuất. Ảnh: HPG. |
Lý giải về nguyên do lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đặt nhà máy sản xuất đầu tiên, ông Vũ Đức Sính cho biết tỉnh nằm trong khu vực động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ, gần các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và có nhiều lợi thế để đảm bảo thành công cho dự án.
Lãnh đạo Hòa Phát cũng cho rằng với quy mô sản xuất lớn và khả năng chủ động nguồn nguyên liệu, chất lượng và giá thành vỏ container của doanh nghiệp có thể cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc.
Thực tế, nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết. Đến nay, tại Việt Nam chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này. Năm 2020, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phôi thép vào thị trường Trung Quốc với chi phí sản xuất cạnh tranh.
Doanh nghiệp ước tính với sản lượng 500.000 TEU/năm, hoạt động sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC mỗi năm, là đầu ra hiệu quả cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và dự án Dung Quất 2. "Sản xuất container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát", đại diện doanh nghiệp nhìn nhận.
Hiện tại, 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất, mỗi năm thị trường tăng trưởng 5%. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đã giảm sản lượng container và công suất sản xuất thép. Hạ tầng hậu cần của các cảng trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn nên vấn đề tái sử dụng container còn nhiều bất cập.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình giải phóng hàng và quay vòng vỏ container bị đình trệ, ngành xuất nhập khẩu trong và ngoài nước đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu vỏ container và tăng giá cước logistics gấp 10 lần.