Nhà tù Hỏa Lò
Thực dân Pháp xây dựng nhà tù Hỏa Lò năm 1896 tại Hà Nội để giam giữ và tra tấn các nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam. Trong các nhà gian giam vẫn còn hình nộm mô phỏng những chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp cùm kẹp. Nhà tù còn lưu giữ chiếc máy chém bằng kim loại và các dụng cụ tra tấn đáng sợ mà người Pháp từng sử dụng để đàn áp các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Hình nộm mô phỏng tù binh trong nhà giam Hỏa Lò. Ảnh: Wiki |
Sau Cách mạng tháng 8/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) quản lý nhà tù Hỏa Lò. Nó trở thành nơi giam phi công Mỹ nhảy dù khỏi máy bay trúng đạn khi không kích Hà Nội. Phi công Mỹ bị bắt làm tù binh gọi Hỏa Lò là "Hilton Hanoi". Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng bị giam tại Hỏa Lò.
Di tích của nhà tù Hỏa Lò hiện nay nằm ở số 1 phố Hỏa Lò, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Người ta phá một phần của nhà giam để xây dựng tòa cao ốc mang tên Tháp Hà Nội. Hỏa Lò chỉ còn là khu di tích, không có chức năng giam người.
Bảo tàng Pháp y Bangkok, Thái Lan
Bảo tàng Pháp y Songkran Niyomsane lưu giữ số lượng lớn xương và thi thể người để phục vụ hoạt động học tập và nghiên cứu của các sinh viên y khoa hoặc các chuyên gia pháp y. Người ta để những thi thể hoặc phần thi thể nạn nhân các vụ án mạng, xác những hài nhi chết yểu hay xác vô thừa nhận từ các vụ tai nạn giao thông vào trong các tủ kính.
Xác của Si Quey, kẻ sát nhân đáng sợ nhất Thái Lan, ở bảo tàng Songkran Niyomsane. Ảnh: Wikipedia |
Hiện nay Bảo tàng Songkran Niyomsane còn lưu giữ nhiều loại vũ khí giết người hay các bằng chứng tội phạm nhằm mục đích giáo dục con người. Đây cũng là nơi yên nghỉ của Si Quey, kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng nhất Thái Lan trong những năm 1950 của thế kỷ trước. Theo cáo trạng, Si Quey sát hại và ăn thịt hơn 30 trẻ em. Dòng chữ phía trên tủ kính nhắc nhở con người cư xử hợp pháp nếu không muốn chịu số phận như Si Quey.
Cánh đồng chết ở Campuchia
Bọn diệt chủng giết và chôn xác hàng triệu người dân Campuchia trong chế độ Khmer Đỏ (1975 – 1979) tại "cánh đồng chết" Choeung Ek, nơi cách Phnom Penh khoảng 15 km. Sau khi nghiên cứu hơn 20.000 ngôi mộ tập thể, các chuyên gia phát hiện 1.386.734 người mất mạng ở Choeung Ek. Nếu tính cả số người chết vì đói nghèo và bệnh tật dưới thời Khmer Đỏ thì Campuchia mất 1,7 đến 2,5 triệu người trong khi dân số của đất nước vào năm 1975 là 8 triệu người.
Núi sọ người ở Cánh đồng chết Choeung Ek, Campuchia. Ảnh: Wiki |
Người dân kể rằng khu vực dành cho khách tham quan chỉ chiếm một phần Choeung Ek. Sau mỗi trận mưa, xương người dưới những lớp đất mỏng lại trồi lên. Đài tưởng niệm, gồm khoảng 8.000 đầu lâu, nằm giữa cánh đồng chết. Nhiều chiếc nứt do bị vật cứng đập vào. Polpot sử dụng gậy, rìu, dao… tàn sát người dân để tiết kiệm đạn.
Bảo tàng Chiến tranh Penang, Malaysia
Pháo đài Bukit Maung nằm ở phía nam hòn đảo Penang, Malaysia. Nó là minh chứng cho sự kiên cường của người dân đảo trong cuộc chiến chống quân đội phát xít Nhật. Tuy khá kiên cố, nhưng nơi đây nhanh chóng thất thủ khi quân Nhật tấn công từ phía đất liền.
Sọ người nhô lên khỏi mặt đất ở Bảo tàng chiến tranh Penang. Ảnh: Wiki |
Sau khi lọt vào tay phát xít Nhật, pháo đài trở thành nơi giam giữ, tra tấn tù binh để lấy thông tin trước khi sát hại họ. Sau khi quân Nhật thất trận, những người lính Mã Lai kiểm soát pháo đài. Tuy nhiên, người dân địa phương tránh xa nó vì sợ hồn ma của những người lính tử trận. Sau nhiều năm, chính quyền địa phương biến pháo đài thành Bảo tàng chiến tranh Penang.
Chứng tích sóng thần ở Thái Lan
Năm 2004, một trận sóng thần nghiêm trọng ập vào Thái Lan khiến hàng ngàn người chết và mất tích. Ngôi làng Ban Nam Khem là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Thái Lan với 1.400 du khách và dân địa phương thiệt mạng trong thảm họa. Sóng thần đẩy hai chiếc tàu cá vào sâu tới vài km trong đất liền.
Hai tàu cá lớn ở Ban Nam Khem bị sóng thần đánh dạt vào đất liền. Ảnh: CNN |
Quần thể khu tưởng niệm bao gồm một bảo tàng nhỏ, một công viên, tượng phật và đài tưởng niệm cháu trai của Vua Thái Lan, người tử nạn trong thảm họa sóng thần. Danh tính của các nạn nhân chết và mất tích hiện diện trên bức tường. Di ảnh của một số nạn nhân cũng xuất hiện trên đó.