Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra một số giải thích về việc tiền điện của khách hàng tăng trong kỳ hóa đơn tháng 3.
Lượng điện sinh hoạt tăng 17% tại Hà Nội, 13% tại TP.HCM
Theo EVN, trong tháng 3, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Hai lý do được EVN viện dẫn cho việc tăng chi phí tiền điện của các hộ dân trong kỳ hóa đơn lần này là yếu tố thời tiết và ảnh hưởng của Covid-19.
Theo EVN, tăng giá trong kỳ hóa đơn này là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hàng năm. Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Tháng 3 năm nay còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C.
Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
Hóa đơn tiền điện có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Ảnh: Huy Hải. |
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.
Theo ghi nhận của Zing, người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3 với số tiền tăng vọt. Nhiều hộ dân cho biết chi phí tiền điện tăng tới 30-40% so với thông thường.
Trong khi đó, đề xuất giảm tiền điện trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được quyết định.
Chưa được hướng dẫn việc giảm giá điện
Theo EVN, việc giảm giá một số mặt hàng thiết yếu trong đó có giá điện là mong mỏi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đã có báo cáo, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra với Bộ Công Thương và Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã chính thức đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chủ trương giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng đã được đưa ra trong Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3. Tuy nhiên, theo EVN, đến nay, chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, ngành điện phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.
Trước đó, EVN có kế hoạch giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19, với mức giảm 10-100% cho một số đối tượng thời gian áp dụng 6 tháng (từ tháng 4). Ước tính, tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỷ đồng.
Sau đó, Bộ Công Thương có đề xuất gửi Thủ tướng về việc giảm 10-20% giá điện cho một số đối tượng, thời gian áp dụng 3 tháng (từ tháng 4). Tổng mức hỗ trợ tạm tính khoảng 11.000 tỷ đồng.