Theo South China Morning Post, những con chuột lông dài Ryukyu là loài vật bản địa tại các đảo Amami-Oshima và Tokunoshima ngoài khơi tỉnh Kagoshima, với khẩu phần chính trong bữa ăn hàng ngày của chúng là hạt dẻ.
Năm nay, những con vật đang bị đe doạ tuyệt chủng này bất ngờ tìm kiếm và ngấu nghiến những nụ hoa trên cây anh đào.
"Trong vòng vài năm qua, đang ngày càng có ít hơn hạt dẻ trong thời điểm này của năm, mặc dù chúng tôi không chắc tại sao", ông Tatsuya Hiragi đến từ bảo tàng Amami ở tỉnh, cho biết.
Loại chuột Ryukyu - chỉ sinh sống tại đảo Amami Oshima của Nhật Bản. Ảnh: New York Times. |
"Những con chuột dựa vào hạt dẻ để sống nhưng chúng tôi cho rằng việc loại hạt này mất mùa trong những năm qua khiến cho chúng gặp khó khăn trong việc kiếm đủ thức ăn", ông Hiragi nói thêm.
Theo ông Hiragi, loài chuột Ryukyu đang có nguy cơ tuyệt chủng, và mặc dù số lượng chính xác của chúng trên đảo chưa được xác định, con số được cho là không lớn và việc thiếu hụt thức ăn sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng cho sự sinh tồn của loài.
Do thiếu thức ăn, những con chuột dường như đã ăn những nụ hoa trên cây anh đào ngay khi chúng vừa xuất hiện. Loài chuột này được coi là báu vật thiên nhiên của quốc gia, và nằm trong danh sách đỏ các loài đang bị đe doạ của Bộ Môi trường Nhật Bản.
Với kích thước có thể lên tới 30 cm, những con chuột này ngày càng ít đi do môi trường sống tự nhiên của chúng bị thu hẹp vì phá rừng và sự phát triển trên đảo.
Mặc dù thuộc khu vực có khí hậu bán nhiệt đới, những hòn đảo ở giữa Kyushu và Okinawa cũng có những cây hoa anh đào, và chúng nở sớm nhất so với những nơi khác trên nước Nhật.
Việc những con chuột ăn hết nụ hoa trên cây anh đào sẽ ảnh hưởng đến những bữa tiệc "hanami" - (hana: hoa; mi: nhìn) ngắm hoa anh đào của người dân trên đảo.
Tuy nhiên một số lượng lớn những cây anh đào cũng chết trong những năm qua do bị tấn công bởi loại bọ cánh cứng ngoại lai có tên khoa học là aromia bungii.
Được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Aichi vào năm 2012, loại bọ cánh cứng này, hay còn gọi là bọ cánh cứng cổ đỏ râu dài, đã tấn công hàng trăm cây anh đào trên khắp nước Nhật.
Các chuyên gia cho rằng loại này xuất hiện ở Nhật từ những lô gỗ được nhập từ Trung Quốc. Chúng sinh sản rất nhanh và thường xuyên đẻ trứng trên những cây hoa anh đào, ấu trùng sẽ hút hết dinh dưỡng của cây để sinh trưởng.