Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hố tử thần không đáy làm 400 hộ dân Phú Thọ sợ hãi

Đích thân Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo sử dụng xe chở đất đá lấp hố tử thần. Nhưng chỉ được đến trưa, đất đá lại bị tiếp tục sụt xuống.

Hố tử thần… không đáy

Liên quan đến vụ việc sụt lún gây ra “hố tử thần” ở xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ,  ngày 28/8, UBND H.Thanh Ba đã cho chở hàng chục chuyến xe tải lớn đá hộc nhằm lấp đầy miệng hố.

Đích thân ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã đến hiện trường chỉ đạo sử dụng xe chở đất đá lấp, rào hố tử thần lại, không cho người dân lại gần. Nhưng chỉ được đến trưa, toàn bộ số đất đá mới trút xuống lại bị tiếp tục sụt xuống.

Hố tử thần ở Phú Thọ lấp mãi không đầy.

“Ngay trước lúc đất đá mới đổ sụt xuống, có tiếng nổ mìn từ công trường khai thác đá cách đây khoảng 300m”, ông Dũng, người dân có nhà ngay cạnh miệng hố, cho hay. Ông Dũng và nhiều người dân ở xã Ninh Dân đều khẳng định, từ hôm 23/8, mỗi khi mỏ đá nổ mìn thì hố tử thần lại sụt xuống, kể cả khi đổ đầy đất đá.

Nhiều hộ dân trong bán kính 100m so với “hố tử thần” chưa di dời cho biết, những ngày gần đây, lúc ngủ họ không dám đóng cửa vì còn phải "nghe ngóng xem có nổ mìn không, có sụt lún không, để còn biết đường mà chạy".

Quan sát thực tế, bán kính xung quanh hố tử thần chừng khoảng 100m xuất hiện thêm rất nhiều vết nứt mới, chia thành nhiều nhánh. Có vết to đút lọt cả bàn chân, bàn tay người lớn vào, sâu không nhìn thấy đáy.

Nhiều gia đình sống gần khu vực “hố tử thần” như gia đình ông Dũng, bà Mậu, bà Lan, bà Thanh, ông Sơn… quá sợ hãi đã phải di dời, nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền.

Nói về nguyên nhân tạo ra hố tử thần, ông Vi Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết, sau khi khảo sát, đánh giá, Bộ Tài Nguyên và Môi trường kết luận… sụt lún do tai biến địa chất. Ông Hùng cũng khẳng định, hoạt động nổ mìn khai thác đá ở gần đó không liên quan đến “hố tử thần”. Việc người dân cho rằng, sụt lún là do có nguyên nhân từ hoạt động nổ mìn, khai thác đá ở mỏ đá là không có căn cứ.

Tuy nhiên, ông Thiều Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ lại thừa nhận, việc nổ mìn khai thác đá ở mỏ đá của công xi măng Sông Thao có gây ra chấn động nhưng không đủ lớn để tạo ra tai biến địa chất, làm hình thành “hố tử thần”. Dù vậy, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn đề nghị công ty xi măng Sông Thao hỗ trợ các hộ dân phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó chủ tịch huyện Thanh Ba cũng cho biết thêm, theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ thì còn tới hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm, có thể bị sụt xuống lòng đất bất cứ lúc nào, cần di dời khẩn trương. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, công tác di dời số dân này sẽ hoàn thành trong năm 2015.

Được biết, nhà máy xi măng Sông Thao có chủ đầu tư là công ty cổ phần xi măng Sông Thao, công ty con thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Đổ đất chỉ là giải pháp tạm thời

Theo Tiến sĩ  Địa chất Thủy văn Đặng Đình Phúc, chuyên gia tư vấn cao cấp của Bộ Tài nguyên và môi trường, trước đây, khu vực huyện Thanh Ba, Phú Thọ đã từng xảy ra sụt lún nhưng không nhiều như hiện nay.

Đổ đất chỉ là giải pháp tình thế.

Ông Phúc cho biết, để có giải pháp khắc phục “hố tử thần” ở đây, cần phải có khảo sát, đánh giá chi tiết để tìm ra nguyên nhân, khoanh vùng rõ ràng, từ đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể. Còn những biện pháp đổ đất vào chỉ là giải pháp tình thế.

Ông Phúc cũng khuyến cáo, không nên đổ cát xuống “hố tử thần” vì loại vật liệu này dễ bị dòng nước ngầm cuốn đi. Cần đổ những loại vật liệu có đủ tải trọng sao cho động lực dòng nước ngầm không đủ sức đẩy đi, có thể là đá cỡ lớn.

 

 

Lê Tú

Bạn có thể quan tâm