Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Sau đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Bàn luận vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều quan điểm, trong đó nhấn mạnh nhiều giải pháp để không chỉ đối phó với dịch trong lúc hiện tại, mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
“Phải bắt bệnh mới bốc thuốc được”
Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng những biện pháp của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 là rất cần thiết. Ông nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, cần hết sức cân nhắc các biện pháp sao cho phù hợp, đúng đối tượng, không nên cào bằng.
Ông Hùng cho rằng Chính phủ cần làm việc với các doanh nghiệp trụ cột, các hiệp hội ngành nghề, các lĩnh vực khác nhau… để nắm bắt khó khăn của từng ngành, từ đó mới có những biện pháp phù hợp, đúng đối tượng.
“Phải bắt bệnh mới bốc thuốc được”, ông Hùng nói.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), cho rằng cần có các chính sách nhanh và đúng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sức chống chịu của khối doanh nghiệp này sẽ khó khăn hơn so vói các nhóm khác.
Hiện tại, ông nhấn mạnh Thủ tướng đã có Chỉ thị 11 về các biện pháp hỗ trợ, do đó, ông mong muốn các bộ ngành sớm đưa các chính sách hỗ trợ vào thực tế, một cách kịp thời.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng trong bối cảnh dịch hiện nay, Chính phủ phải chấp nhận đương đầu với tụt giảm về tăng trưởng GDP trong bối cảnh dịch Covid-19. Ông cho rằng các chính sách thuế cho doanh nghiệp phải hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hòa nhấn mạnh các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, và không để một số doanh nghiệp trục lợi.
“Không phải hỗ trợ một cách ồ ạt. Có thể sẽ có doanh nghiệp lợi dụng chính sách để được Chính phủ hỗ trợ trong lúc này”, ông Hòa nói.
Cả giải pháp phi tài chính
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhắc đến những chính sách phi tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, qua đó giúp duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam chưa có tiềm lực kinh tế bằng các nước phát triển, thậm chí ngân sách luôn bị thâm hụt. Đặc biệt, khi tình hình dịch ngày càng kéo dài, thu ngân sách càng bị giảm sút. Trong điều kiện đó, ngoài trợ giúp tài chính, Chính phủ phải tính đến cả các biện pháp phi tài chính, như cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Phải giải bài toán hỗ trợ lúc này một cách khoa học, hợp lý. Ngân sách hạn chế nên trợ giúp doanh nghiệp thì phải liệu cơm gắp mắm”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vị đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào khó khăn về vốn thì cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hoãn thuế, từ đó giúp duy trì doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh và công ăn việc làm.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp không gặp khó khăn về vốn mà lại cần những biện pháp hỗ trợ khác. Ông ví vụ việc nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về các dự án đầu tư bị ách tắc, ví dụ như khu vực bất động sản, đang rất cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Ông Nghĩa nhắc đến nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang bị đình trệ nhiều năm. Trong số này nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, sẵn sàng thực hiện các dự án khi được cho phép, tạo nguồn cung ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Các dự án có những vướng mắc khác nhau, nên khi tháo gỡ cần vận dụng để bảo đảm hài hòa các lợi ích. Lợi ích Nhà nước không bị thiệt hại, doanh nghiệp được triển khai dự án, xã hội được hưởng lợi. Dịch bệnh nghiêm trọng, lan rộng toàn cầu, gây tổn thất nhiều mặt và có nguy cơ kéo dài, đã tạo ra một tình thế đặc biệt. Do vậy, cần phải thiết kế các chính sách hỗ trợ tương xứng với tình thế đặc biệt đó ”, ông Nghĩa nói.
Ông chia sẻ nếu vướng quy định của pháp luật, Quốc hội có thể ra một nghị quyết đặc thù, giống nghị quyết về giải quyết nợ xấu trước kia, để tháo gỡ cho các dự án.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhắc đến vấn đề đẩy mạnh đầu tư công. Ông cho rằng do tình hình dịch bệnh, việc huy động đầu tư tư nhân vào các công trình hạ tầng, như đường cao tốc Bắc Nam, sẽ gặp khó khăn. Thay vì chờ đợi đầu tư tư nhân, nhà nước có thể làm chủ đầu tư, hoặc chủ trì huy động đầu tư, rồi tổ chức đấu thầu để triển khai dự án.
“Do đầu tư từ vốn ngân sách, Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp hành chính để thúc đẩy giải ngân, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, để người lao động có thu nhập”, ông chia sẻ. Cuối cùng, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh dịch Covid-19 dẫn đến nguy cơ thất nghiệp tăng cao, điều này là cực kỳ đáng lo, nhất là khi nhiều người lao động thuộc diện nghèo, thu nhập thấp, không có tài sản dự trữ. Ông mong muốn Chính phủ có các chính sách để hạn chế thất nghiệp, hạn chế khó khăn cho đời sống người dân, nếu không hậu quả sẽ rất lớn.