Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Doanh nghiệp phải là 'pháo đài' trong đại dịch Covid-19

Trước tín hiệu một số nước sẽ sớm phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải nắm lấy cơ hội này, theo Văn phòng Chính phủ.

Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân cả nước, nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành và một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp…

thu tuong lam viec voi cac doanh nghiep tu nhan anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Nắm bắt cơ hội khi các nước phục hồi sản xuất

Thủ tướng cho biết WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch. Trong bối cảnh này, Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Ông cho rằng lúc này các doanh nghiệp, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nhiều doanh nghiệp, với hàng nghìn lao động, cần có biện pháp chống dịch ở đơn vị mình và cho cả công nhân của mình. Đó chính là góp phần vào nỗ lực chống dịch của cả nước.

Theo Thủ tướng, cuộc gặp gỡ, làm việc hôm nay là để động viên, thăm hỏi đối với các khó khăn của doanh nghiệp cũng như lắng nghe các ý kiến, hiến kế quyết sách cho kinh tế tư nhân, động lực quan trọng đối với nền kinh tế.

Từ đó, Chính phủ tạo môi trường đầu tư tốt hơn để phát triển, bao gồm cả việc tạo thị trường mới, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, để chính sách của Chính phủ sát với thực tiễn hơn.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ vui mừng khi trong khó khăn, một số tập đoàn có sự chuyển hướng, bước đi phù hợp, vẫn phát triển tốt. Một tin vui là Việt Nam bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá. Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cũng phải đóng góp cho vấn đề này.

Thủ tướng cho biết, đã nhận được được thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh. Ông yêu cầu các doanh nghiệp phải đón bắt thời cơ này.

“Như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ”, ông nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng lúc này cần một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ khi qua đại dịch. Ông yêu cầu phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển.

“Qua cuộc gặp này, Chính phủ muốn chuyển tình cảm, chia sẻ, trăn trở cùng doanh nghiệp để chúng ta cùng tiến bước trong giai đoạn kết”, ông nói.

Mục tiêu kép của Chính phủ

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải thực hiện mục tiêu kép, nghĩa là vừa chống dịch thành công, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào thời điểm kết thúc dịch. Theo kịch bản 1, nếu dịch virus corona được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với Nghị quyết 01. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Với kịch bản 2, nếu dịch virus corona được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với Nghị quyết 01). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng) vừa có báo cáo khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo này dựa trên khảo sát 1.200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Theo khảo sát, dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%. Chỉ 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm