Từ doanh nhân hàng đầu
Gương mặt thân thiện, nụ cười dễ mến và đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính trắng, khiến Edward Minh Chi được ví như một biểu tượng của sự thành công ở một thị trường rất nóng và năng động.
Là người Mỹ gốc Hoa, ông Edward Chi “ôm” tấm bằng tiến sĩ luật từ Mỹ trở về Việt Nam, với hình ảnh của một nhà phát triển bất động sản nhiều thành công. Vì thế, ông không muốn mọi người chỉ đơn thuần coi mình là một nhà đầu tư, kinh doanh địa ốc.
Ông Chi trong một buổi gặp gỡ báo chí. |
Với ý thức về vị trí bản thân, ông Chi đã từng tâm sự: “Hầu như quỹ thời gian của tôi dành cho các dự án mà công ty đang xây dựng. Xây dựng mỗi dự án đối với tôi như sinh ra và nuôi dậy một con người. Chúng ta cần quan tâm, quán xuyến nó để nó phát triển đúng hướng, bảo đảm chất lượng công trình”.
Hừng hực khí thế, ông Chi đặt ra mục tiêu phát triển Minh Việt trở thành một tập đoàn đầu tư BĐS hàng đầu Việt Nam và vươn tới thị trường trong khu vực Đông Nam Á
Cũng với vị trí và quan hệ của mình, chính Edward Chi đã thuyết phục Coldwell Banker (Mỹ), có thâm niên và mạng lưới hoạt động trên toàn cầu trở thành một đối tác của Minh Việt tại Việt Nam. Ông đã mất nhiều công sức để được đối tác nhượng quyền, và kỳ vọng sẽ xây dựng thành một định chế bất động sản thế lực tại Việt Nam.
Ông Chi tại buổi ra mắt dự án ở Quảng Ninh. |
Mặc dù lúc này đã có cảnh báo về việc các doanh nghiệp đua nhau mở sàn giao dịch bất động sản, ông Edward Chi vẫn tự tin, đây sẽ là sàn đầu tiên đưa ra dịch vụ giao dịch bất động sản trọn gói.
Ông cũng hay nói về xây dựng lòng tin cho người mua nhà. “Lòng tin được hiểu nhiều cách chúng ta hứa cái gì và chúng ta thực hiện điều gì. Khách hàng họ mong muốn điều gì. Đối với sản phẩm nhà ở mà nhận đúng thời hạn nhưng chất lượng không đạt được những gì chúng ta quảng bá thì đó là mất lòng tin. Khi niềm tin đối với thị trường không có thì sẽ khó tìm được người mua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ khó tồn tại được”.
Với những gì đã vẽ ra và cách tuyên bố, ông Chi đã được nhiều người tin tưởng và xem là một doanh nhân tâm huyết, có ảnh hưởng trên thị trường BĐS Việt Nam.
Kẻ đào tẩu bỏ của chạy lấy người
Trước khi “nhập vai” doanh nghiệp, ông Edward Chi từng là tư vấn lâu năm cho các dự án bất động sản. Với vai trò là Tổng giám đốc Tuần Châu Hà Tây, ông tham vọng biến đây trở thành một trong những siêu dự án lúc bấy giờ. Thế nhưng chẳng mấy lâu sau ông ra đi. Từ đó tới nay, kỳ vọng “mang một Tuần Châu thu nhỏ đặt vào lòng thủ đô” đang ở tình trạng... bỏ hoang.
Từ những trăn trở về thị trường BĐS, ông đã quyết định tìm con đường đi riêng với vai trò là chủ đầu tư, xây dựng dự án cho Minh Việt. Trong định hướng phát triển lâu dài, đây là hai dự án trọng điểm của Minh Việt. Dự án TriconTowers và The Bayview Towers (nằm tại Vịnh Hạ Long) sẽ tạo nên điểm nhấn ấn tượng, và xây dựng một kiểu mẫu mới về loại hình căn hộ đẳng cấp cho 2 thành phố lớn của Việt Nam, là Hà Nội và Quảng Ninh.
Dự án Tricon chỉ là những cọc sắt hoen rỉ. |
Theo kế hoạch, giữa năm 2012, Minh Việt sẽ bàn giao căn hộ thuộc Dự án Tricon Towers, và đến năm 2013 sẽ bàn giao căn hộ thuộc Dự án The Bayview Towers. Thành công bước đầu với hai Dự án này sẽ là tiền đề để Minh Việt tiếp tục phát triển các dự án lớn hơn trong tương lai. Minh Việt còn khẳng định tiếp tục triển khai một loạt dự án nhà ở cao cấp và du lịch khác trong lòng Hà Nội và Nha Trang, với thuộc tính không thể thiếu đối với các dự án này vẫn là sự thân thiện với môi trường sinh thái.
Nhưng những gì ông nói hoàn toàn trái ngược với thực tế. Những dự án “như đứa con tinh thần cần bàn tay chăm chút từ khi khi còn là ý tưởng cho đến khi hoàn thành” đều dang dở.
Công trường dự án The Bayview Towers hoang tàn. |
Một dự án khác của Minh Việt tại Quảng Ninh là The Bayview Towers cũng đang trong cảnh ngộ tương tự. Tiến độ dự án vẫn chỉ là bãi đất không, nhìn từ bên ngoài, biển quảng cáo dự án đã bạc màu vì mưa nắng.
Khách hàng biểu tình đòi nhà. |
Lúc này ông mới ngẫm ra rằng, làm BĐS ở Việt Nam không phải là đơn giản, không chỉ là có tiền mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giải thích về sự chậm trễ tiến độ, ông đổ lỗi rằng, thị trường BĐS trong nước ảnh hưởng tới Minh Việt nên họ buộc phải điều chỉnh. Sự điều chỉnh này cũng dựa trên yếu tố có lợi cho khách hàng, bằng việc đưa vào công nghệ xây dựng của nước ngoài. Nhà thầu nước ngoài có công nghệ kỹ thuật hiện đại vận hành bởi chuyên gia nước ngoài nên phải có thời gian chuẩn bị.
Một nguyên nhân khác mà Minh Việt đưa ra là bối cảnh tình hình kinh tế trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãi suất, chính sách tín dụng thắt chặt, cùng với thị trường bất động sản trong giai đoạn trầm lắng.
Cho đến thời điểm này, “giấc mơ xanh” của những dự án do ông tạo ra đã kết thúc, biểu tượng của Minh Việt do Edward Chi gây dựng lên đã sụp đổ hoàn toàn. Ông Chi đã bỏ của chạy lấy người, để lại "những đứa con tinh thần" dang dở và những số phận khách hàng không biết đi đâu về đâu. Mới đây, ông lại xuất hiện trên tờ báo nước ngoài, nhưng khác với những lần trước, ông được ví như một điển hình cho những thất bại trên thị trường bất động sản Việt Nam.