Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồ sơ, kỷ vật đặc biệt của một nhà báo đi B

Theo thông tin từ hồ sơ đi B, nhà báo Nguyễn Kim Toàn tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Thời điểm xin đi B, ông đang công tác tại báo Hải Phòng.

Ngay Bao chi 21/6 anh 1

Giấy chứng nhận đặc biệt của phóng viên Nguyễn Kim Toàn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Hồ sơ 19842.

Từ cuộc trò chuyện bất chợt …

Trong một lần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ những người đồng chí cùng đi B tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, các viên chức của Trung tâm đã nhận được một lời đề nghị với nội dung như sau:“Nhờ cháu tìm hồ sơ của Bác Nguyễn Kim Toàn, quê Hải Phòng. Nếu có thì may mắn và tốt quá. Sắp tới, có thể ông bạn tôi sẽ lên Hà Nội dự cuộc gặp mặt cán bộ đi B cùng đoàn, tôi muốn cho ông bạn điều bất ngờ…”.

Cũng như nhiều lần khác, mỗi khi tìm kiếm thông tin về một cán bộ đi B, những viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lại có cảm giác khó tả. Bởi đã không ít lần, họ ở trong trạng thái hồi hộp và chờ đón sự xuất hiện những cái tên, nhưng không ít lần thất vọng, tra cứu bằng tên, bằng bí danh và các thông tin khác nhưng không có kết quả, rồi nỗi băn khoăn làm sao để trả lời với các cán bộ đi B, gia đình, để người tiếp nhận không bị thất vọng…

Lần này có phần đặc biệt, vì như một thói quen mỗi khi có được thông tin cần tìm về những người cán bộ thời hoa đỏ, với những cái gõ lách cách theo những thông tin cơ bản… màn hình hiện lên dòng chữ cột đầu tiên “Nguyễn Kim Toàn”, có 2 bác cùng họ tên, nhưng còn quê quán, người cần tìm có quê quán ở Hải Phòng, người đầu tiên không phải, người thứ hai - các thông tin đã cơ bản trùng khớp.

Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B Nguyễn Kim Toàn gồm 51 trang, với các loại giấy tờ cơ bản: Chứng minh thư, lý lịch cán bộ, thẻ cán bộ, Quyết định điều động cán bộ, và một số giấy tờ khác, đủ để hình dung về người cán bộ đi B ngày ấy: Nguyễn Kim Toàn (tên thường gọi: Kim Toàn) sinh ngày 29/11/1940 tại Thôn Ngọc Tỉnh, xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, Thành phố Hải Phòng. Nghề nghiệp của ông là viết báo.

Ngay Bao chi 21/6 anh 2

Chân dung cán bộ đi B - Nhà báo Nguyễn Kim Toàn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Hồ sơ 19842.

Theo thông tin từ hồ sơ, nhà báo Nguyễn Kim Toàn tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, khi mới 13 tuổi, ông đã làm đội trưởng đội thiếu niên Tháng Tám. Ông tham gia làm công tác thông tin tuyên truyền của xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy từ năm 1956. Trong những năm 1957-1960, ông hoạt động, là cán bộ làm công tác văn hóa ở xã nhà, rồi dạy bổ túc văn hóa, tham gia công tác thanh niên và làm quản trị viên Hợp tác xã nông nghiệp...

Năm 1960, người thanh niên trẻ tuổi Kim Toàn công tác tại Tòa báo tỉnh Kiến An, vừa là phóng viên vừa làm công tác biên tập, ông tham gia học tập, tích cực bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí. Năm 1963, ông là phóng viên Báo Hải Phòng. Là người nhiệt tình, tích cực, hăng hái, ông đã giành trọn đam mê của mình với báo chí.

Thời điểm đầu năm 1965, miền Bắc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, nhiều thành phố lớn của miền Bắc trong đó có Hải Phòng bị ném bom, đánh phá ác liệt. Một giấy tờ quan trọng mang tên: “Giấy chứng nhận đặc biệt” do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hải Phòng cấp ngày 19/2/1965 cho Nguyễn Kim Toàn, chức vụ phóng viên cơ quan Báo Hải Phòng.

Đến ký ức của người phóng viên, nhà báo đi B…

Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy lực lượng phòng không nhân dân thành phố, khi có tiếng còi báo động, thành phố chuyển sang trạng thái thời chiến, cấm đường, cấm các phương tiện qua lại, cấm nhân dân di chuyển, nhưng nhiệm vụ của người phóng viên chiến trường hết sức đặc biệt, trong tình thế ấy, những người phóng viên được đi lại ở mọi nơi, từ nội, ngoại thành đến vùng cảng, ven biển đảo để thu thập tin tức, ghi hình và đưa tin về tinh thần, ý chí chấp hành của nhân dân, về cuộc chiến đấu kiên cường của các đơn vị bộ đội, các trận địa phòng không…

Ngay tên gọi của “Giấy chứng nhận đặc biệt” đã thể hiện sự khác thường của nó, Giấy được cấp để cán bộ đi lại làm nhiệm vụ trong giờ báo động phòng không. Khi các lực lượng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với địch, bộ đội chuẩn bị tác chiến, nhân dân vào hầm trú ẩn, các phóng viên sẽ tác nghiệp và làm nhiệm vụ… ác liệt, khó khăn, nguy hiểm khôn lường nhưng không làm khó tinh thần những phóng viên chiến trường dũng cảm.

Ông chia sẻ: “Chiến tranh hết sức ác liệt, nguy hiểm, thực sự phải có tinh thần dũng cảm mới có thể vượt qua, nhưng lúc bấy giờ, ý chí của tuổi trẻ đã làm ông quyết tâm và thực sự say mê với công việc phóng viên, viết báo của mình… ông đã đi nhiều nơi trên đất Cảng như Thủy Nguyên, An Hải, Đồ Sơn, Kiến Thụy… để đưa tin về cuộc chiến anh dũng của quân dân quê nhà”.

Tình yêu nghề, yêu công việc làm báo đã ăn sâu trong tâm trí, hành động của người thanh niên đất Cảng ấy. Khi được bày tỏ về nguyện vọng của mình, ông đã viết: “Trong bất cứ hoàn cảnh công tác nào, bản thân cũng muốn được làm báo”. Có lẽ vì vậy, những khó khăn ác liệt của làn bom, mũi đạn ở miền Bắc không làm nao núng ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm người phóng viên trẻ, ông vẫn luôn hướng về miền Nam, chia lửa cùng đồng bào miền Nam.

Nhà báo Kim Toàn đã tình nguyện vào tiền tuyến lớn miền Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam thân yêu. Ngày 30/8/1965, khoác trên vai hành trang của tuổi 25 xanh xuân căng tràn sức sống, nhiệt huyết, ông cùng đoàn cán bộ tình nguyện của các ngành Giáo dục, Y tế… đã đi bộ, vượt Trường Sơn, vượt khó khăn, nguy hiểm, ngày đêm băng rừng, vượt suối vào miền Đông Nam Bộ làm nhiệm vụ bí mật và đặc biệt: đi B.

Hai lần vượt Trường Sơn và ngót 10 năm ở chiến trường miền Nam, đến ngày giải phóng, ông luôn thể hiện ý chí, bản lĩnh của người phóng viên, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Ông là một trong những phóng viên, nhà báo tiêu biểu cho những phóng viên, nhà báo đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cùng đồng bào đồng chí miền Nam kháng chiến chống Mỹ.

Hòa bình lập lại, ông trở về quê hương Hải Phòng, tiếp tục đóng góp, cống hiến sức mình cho sự nghiệp báo chí, cùng đồng chí, nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những năm kháng chiến gian khổ, không chỉ nhà báo Nguyễn Kim Toàn, mà nhiều phóng viên, nhà báo, nhà nhiếp ảnh khác đã âm thầm, lặng lẽ về Nam, đã lăn lộn, không quản ngại khó khăn và đóng góp theo những cách riêng, tuyên truyền nhiệm vụ cách mạng, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của dân tộc, nhân dân. Trên hết, tinh thần cách mạng, tình nguyện và ý chí của các ông chính là niềm tự hào của những người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền nói riêng, của dân tộc nói chung.

Liên lạc với nhà báo Nguyễn Kim Toàn trong những ngày tháng 6, những thông tin về hồ sơ, kỷ vật đi B đã làm ông vui mừng xúc động khi nhớ hồ sơ của cá nhân mình mà nhiều nét chữ do chính tay ông viết năm xưa.

Trung tâm lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang quản lý khối lượng lớn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trong những năm 1959-1975. Đây là hồ sơ của các cá nhân công tác trong các ngành dân sự (kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa…) đã tình nguyện lên đường vào Nam thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoạt động báo chí Việt Nam trước 1945 qua triển lãm trực tuyến

Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) thực hiện nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

'Thế giới sách' của người làm báo

Hơn 100 tựa sách của các tờ báo, nhà báo của Việt Nam sẽ được giới thiệu tại “Tuần lễ Sách của Người làm báo” từ ngày 17/6 đến ngày 22/6 tại Đường sách TP.HCM.

Minh Châu - Thiên Lý

Bạn có thể quan tâm